PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/01/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là quyền lợi và trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức
Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ giúp phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật mà còn nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành thủy sản, là quyền lợi và trách nhiệm của mọi cá nhân, mọi tổ chức. 

Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước đã thành lập được 11/16 khu bảo tồn biển, đạt 174.748,85 ha (chiếm 0,175% diện tích vùng biển). Hằng năm, ngành Thủy sản và các địa phương thực hiện nghiêm việc thả giống tái tạo nguồn lợi, trong đó tập trung vào các loài có giá trị kinh tế, loài bản địa và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Cùng với đó, nhiều địa phương đã thành lập và duy trì ổn định các tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản được triển khai đa dạng trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một số địa phương chưa nghiêm; tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, vùng nước nội địa vẫn diễn ra, đặc biệt là vấn nạn sử dụng xung điện, kích điện, sử dụng ngư, lưới cụ bị cấm để khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản tại nhiều địa phương trên cả nước.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, riêng trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 2 quyết định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chinh phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Chương trình hướng đến mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Mục tiêu cụ thể, 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản; trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020; 100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản; 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ươm nuôi thành công; 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hằng năm; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái...

Chương trình đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm, chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.


Bắc Kạn có lợi thế về nuôi trồng thủy sản sạch, nguồn nước sông, suối đầu nguồn có chất lượng tốt 
(Ảnh: Một đoạn sông Cầu chảy qua thành phố Bắc Kạn)

Tại tỉnh Bắc Kạn, trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã phát huy lợi thế môi trường nuôi trồng thủy sản sạch, nguồn nước là đầu nguồn của hệ thống sông suối nên chất lượng nước tốt, dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ, được khống chế kịp thời để phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản như nuôi lồng bè trên hồ chứa, sông suối, nuôi ao, nuôi kết hợp trong ruộng lúa... với năng suất, sản lượng thủy sản ngày càng tăng, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.735/2.980 tấn, đạt 91,8% kế hoạch.

Theo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 3.084 tấn/năm; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên diện tích mặt nước hiện có, đa dạng đối tượng nuôi, sản lượng nuôi trồng đạt 2.950 tấn, năng suất đạt 21,7 tạ/ha; diện tích nuôi thủy sản nước lạnh đạt 2 ha, sản lượng 22 tấn, năng suất 11 tấn/ha; tập trung phát triển nuôi cá lồng ở ven hồ trên sông và hồ chứa thủy lợi, sản lượng đạt 112 tấn, năng suất đạt 0,35 tạ/m3; có 1,5% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và bền vững; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 03%/năm.

Dự kiến đến năm 2045, tổng sản lượng thủy sản đạt 5.000 tấn/năm; hằng năm, duy trì mức tăng 1,5% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và bền vững; chủ động sản xuất giống thủy sản, cung ứng 80% nhu cầu thủy sản giống đảm bảo tiêu chuẩn.

Triển khai thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chinh phủ, ngày 31/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 2364/QĐ-UBND.

Mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính trên địa bàn tỉnh được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản; 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá; 100% các huyện, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hằng năm; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái…

Quán triệt quan điểm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là quyền lợi và trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi cá nhân, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã xác định các giải pháp chủ yếu, trên cơ sở đó giao nhiệm vụ, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là tuyên truyền sâu rộng, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh, từ đó chủ động, tự giác tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đa dạng hóa các phương thức truyền thông, tập trung truyền thông trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các dịp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Lễ hội Vu lan (15/7 âm lịch). Vận động người dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, thả tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài nguy cấp, quý, hiếm, bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh…/.

Bích Huệ (tổng hợp)