Độ tương phản
Công nhân Công ty TNHH Kẻ Gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới đóng gói các sản phẩm đồ gỗ dùng một lần
Hiện nay, tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới có 14 doanh nghiệp/nhà đầu tư, trong đó có 8 dự án đã hoạt động, 3 dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp này đạt hơn 350 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5,5 triệu Đô la Mỹ, tạo việc làm cho 775 người lao động. Sản lượng các mặt hàng chủ lực như: Gỗ dán sản xuất được hơn 23.000 m3; ván sàn 15.000 m2; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải đạt hơn 400 tấn; bột đá thạch anh 6.000 tấn; đồ gỗ dùng một lần (dao, thìa, dĩa gỗ) trên 8 triệu sản phẩm…
Việc tổ chức sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, thể hiện sự chủ động đổi mới, năng động trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư hoàn thiện trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi tham gia thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã sử dụng tốt lợi thế và cơ hội mang lại từ những chính sách mời gọi đầu tư, xúc tiến thương mại thông thoáng của địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về lương, nhắc nhở doanh nghiệp chủ động phối hợp cùng công đoàn cơ sở nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của công nhân, người lao động để nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết… Nhờ vậy hạn chế được những tranh chấp quyền lợi giữa các bên, tránh đưa đến hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, dư luận xã hội, góp phần tạo nên môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, gắn bó với Khu công nghiệp, thời gian tới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, nhất là về nhu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và giải pháp phát triển nguồn nhân lực lao động.
Cùng với đó thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn, hiệu quả; khắc phục những vướng mắc, thiếu sót trong quản lý sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thu gom xử lý nước thải; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từng bước đáp ứng cho nhà đầu tư, nhất là hướng tới về hạ tầng xã hội để các nhà đầu tư an tâm, ổn định sản xuất.
Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan giới thiệu nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư các khu, cụm công nghiệp đang được xem xét đưa vào quy hoạch tỉnh. Tiếp tục tham gia khảo sát tìm và đề xuất vị trí xây dựng khu, cụm công nghiệp chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để đón nhận đầu tư mới./.
Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp (16/01/2025)
Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (08/08/2024)
Phát triển cụm công nghiệp theo hướng bền vững (03/01/2024)
Các dự án FDI trong Khu Công nghiệp Thanh Bình hoạt động ổn định, hiệu quả (26/10/2023)
Cụm Công nghiệp Huyền Tụng san nền đạt 94% khối lượng (13/12/2022)