PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/04/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thành phố Bắc Kạn: Khi người có uy tín trở thành “thủ lĩnh mềm” giữa lòng dân
Ở thành phố Bắc Kạn, vẫn luôn có những con người âm thầm giữ lửa truyền thống, dẫn đường cho cộng đồng bằng uy tín chứ không bằng chức danh. Họ chính là người có uy tín - những “thủ lĩnh mềm” đang được thành phố phát huy hiệu quả trong việc xây dựng đô thị văn minh, phát triển vùng dân tộc thiểu số bền vững và đầy bản sắc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Thành phố Bắc Kạn biểu dương, tôn vinh người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024

Cầu nối vững chắc giữa chính quyền và Nhân dân

Người có uy tín trên địa bàn thành phố không hẳn là người già nhất hay học cao nhất. Họ là những người biết lắng nghe, biết nói điều đúng lúc, biết giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc và đặc biệt là được dân tin.

Họ có thể giống như ông Triệu Văn Tính - người có uy tín ở tổ 8, phường Phùng Chí Kiên là một trong những người đi đầu trong vận động Nhân dân hiến đất làm đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng đời sống văn hóa. Ông không chỉ nói, mà tự tay tham gia cùng bà con xây dựng các công trình hạ tầng, đóng góp cả sức người lẫn vật chất.

Hay như bà Hoàng Thị Tuyết, người dân tộc Tày ở phường Huyền Tụng - người phụ nữ được lòng dân bởi sự gần gũi, linh hoạt, thẳng thắn. Bà thường xuyên vận động chị em trong khu phố giữ gìn nếp sống văn minh, không tổ chức ăn uống linh đình, bài trừ mê tín dị đoan, chăm lo con cái học hành.

Còn ông Lăng Văn Trọng, Tổ trưởng tổ 6, phường Xuất Hóa là người tích cực trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, hòa giải các mâu thuẫn trong khu dân cư. Dù đã có tuổi nhưng ông luôn tham gia đầy đủ các cuộc họp, các hoạt động cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân…

Với thành phố có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 61%, vai trò của những người “nói một lời bằng mười cán bộ” này lại càng quan trọng. Họ không chỉ là kênh tuyên truyền hiệu quả trong các chiến dịch như tiêm chủng, phòng chống dịch Covid-19, xây dựng đời sống văn hóa mới mà còn là người tiên phong trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Không thể thiếu động lực để họ tiếp tục “cháy”

Khi có chính sách mới, người dân thường ngại hỏi cán bộ, nhưng sẽ mạnh dạn hỏi “bác trưởng thôn nói sao?”. Sớm nhận ra “sức mạnh mềm” từ người có uy tín, những năm qua, thành phố luôn chú trọng tập huấn, cung cấp tài liệu và cập nhật thông tin cho lực lượng này, biến họ thành “trạm phát sóng sống” mang kiến thức chính sách lan tỏa đến từng hộ gia đình. Tại các xã, phường, người có uy tín đều được mời đến dự các buổi họp sơ kết, tổng kết công tác chính quyền, các kỳ họp HĐND nhằm trang bị thêm các kiến thức cũng như cung cấp các thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hướng dẫn triển khai văn bản của các cấp, các ngành để người uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền ở khu dân cư.

Cùng với đó, thành phố thường xuyên quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành và cán bộ đảng viên về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người có uy tín góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh phát triển lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc; quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ người có uy tín.

Thành phố Bắc Kạn cũng tổ chức nhiều hoạt động biểu dương, khen thưởng, hội nghị gặp mặt để tri ân và chia sẻ kinh nghiệm nhằm kịp thời động viên người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương. Thực hiện đầy đủ việc tặng quà cho có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm đau phải điều trị; thăm viếng các trường hợp người uy tín, thân nhân người uy tín qua đời...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn Lê Đăng Trưởng cho biết, toàn thành phố hiện có 116 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đại diện cho nhiều thành phần: Có người từng là cán bộ nghỉ hưu, người làm công tác tôn giáo, người làm kinh tế giỏi, người là trưởng dòng họ uy tín... Dù ở vị trí nào, họ đều là những “người thắp lửa” trong cộng đồng. Họ không ồn ào, không phát ngôn trên truyền thông. Nhưng nhờ họ, hàng trăm quyết sách không bị “nghẽn mạch” khi triển khai. Nhờ họ, người dân hiểu - tin - làm theo, chứ không còn e ngại hay nghe lời xuyên tạc từ thế lực xấu. Và khi họ được phát huy đúng mức, hỗ trợ đúng lúc, thì từng bản làng, từng tổ dân phố... sẽ trở thành một “pháo đài” vững chắc - nơi chính sách không chỉ đến được với dân, mà còn sống trong lòng dân./.

Thu Cúc