PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
25 năm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân
25 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Y tế Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khi mới tái thành lập tỉnh, hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Nhiều trạm y tế xã là nhà tạm; trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh thiếu thốn và lạc hậu; một số bệnh viện được xây dựng từ những năm 1980 đã xuống cấp; cả tỉnh chỉ có gần 100 bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học; một số bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương.

Đứng trước những khó khăn đó, toàn Ngành đã khẩn trương tập trung khắc phục, sớm ổn định để triển khai các nhiệm vụ công tác. Cùng với việc thành lập mới các đơn vị chuyên môn y tế tuyến tỉnh, Ngành tổ chức lại bộ máy y tế tuyến huyện, củng cố mạng lưới y tế tuyến xã, song song với đó là tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Trong năm 1998, 70% nhà trạm y tế xã đã được xây mới thay thế cho các nhà tạm trước đây. Một số trung tâm y tế huyện cũng được cải tạo, nâng cấp, xây mới. Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 500 giường bệnh, có khả năng thu dung từ 600 đến 800 giường bệnh đã khánh thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tạo điều kiện để người dân trong tỉnh, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, người có công…. được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao hơn. Đến nay, Bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang...

Song song với sự đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, Ngành chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ. Nếu như năm 1997, cả tỉnh chỉ có gần 100 bác sĩ, dược sĩ đại học thì đến nay đã có 544 bác sĩ, đạt tỷ lệ 17,6% bác sĩ trên một vạn dân.

Hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu
khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân

Cùng với cơ sở vật chất, nhân lực được đầu tư, ngành Y tế cũng chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay, Ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới trong điều trị cho bệnh nhân như các kỹ thuật về lọc máu, thay huyết tương, các kỹ thuật cao trong xét nghiệm… Việc triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến đã mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian, chi phí cho người bệnh. Ngoài ra, các chính sách về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số được Ngành phối hợp triển khai tốt, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện, góp phần nâng cao sức khỏe cho Nhân dân

Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, hoàn thiện ở các tuyến cũng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Nếu năm 2002, trung bình mỗi trạm y tế có 3,29 nhân viên y tế, 30% số xã có bác sĩ, 70% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động thì đến hết năm 2021, trung bình mỗi trạm có 5 nhân viên y tế, 100% xã có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế. Đến hiện tại, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tính theo chiều cao của tỉnh giảm còn 27,5% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 17,1%. Toàn tỉnh đã có 104/108 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, trên 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 100% số trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

25 năm qua, nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm xuất hiện đã gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Y tế Bắc Kạn. Tuy nhiên, nhờ triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng nên dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khống chế, dập tắt kịp thời, không để lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, ngành Y tế chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 như tiêm vắc xin, tập huấn, giám sát, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm... Nhờ đó, đến nay, tỉnh đang ở cấp độ 1, nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh trong phòng chống Covid-19.

Công tác y tế dự phòng, trong đó có nhiệm vụ phòng chống Covid-19 luôn được ngành Y tế chú trọng
thực hiện để dự phòng dịch bệnh từ sớm

Ngoài ra, thực hiện công tác cải cách hành chính, một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đang từng bước làm chủ, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh. Qua đó đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi nhưng vẫn được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt.

Thời gian tới, dự báo mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi; các bệnh dịch lạ, mới nổi, nguy hiểm luôn có nguy cơ xảy ra; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp; nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng cao... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Tạc Văn Nam cho biết, ngành Y tế đã và đang tăng cường quản lý nhà nước về công tác y tế; huy động nguồn lực đầu tư cho y tế; chú trọng ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới trong khám chữa bệnh; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng; thực hiện cải cách hành chính; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh…

Có thể thấy, trong 25 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu và đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành Y tế, công tác y tế trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương./.

Ngọc Tú