PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/01/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo
Qua 25 năm tái lập tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đạt được nhiều thành tựu, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời điểm mới tái lập tỉnh, công tác GD&ĐT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất các trường còn nghèo nàn; phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị hầu như chưa đáp ứng được việc dạy và học. Nhiều học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có đủ sách giáo khoa, không có điện, trang thiết bị để học tập. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi; phương pháp dạy học của giáo viên chưa được đổi mới, chủ yếu vẫn theo lối “thầy đọc, trò chép”. Vì vậy, chất lượng giáo dục còn thấp, năm học 1997 - 1998, cả tỉnh còn 44/122 xã chưa được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

Khó khăn, vất vả là vậy, song toàn Ngành đã nỗ lực không ngừng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đến năm học 2000 - 2001, hệ thống mạng lưới trường, lớp đã dần được củng cố và mở rộng, cả tỉnh có 52 trường mầm non, 203 trường phổ thông, 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, một số trường bán trú ở tuyến xã cũng bắt đầu được hình thành. Cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục được quan tâm đầu tư; nhiều trường, lớp được xây dựng kiên cố. Trình độ chuyên môn của giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được đẩy mạnh; năm học 2000 - 2001, có 100% xã, phường trong tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng mới 417 và sửa chữa, cải tạo 614 phòng học; xây mới 104 và cải tạo, sửa chữa 100 phòng bộ môn… Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, cả tỉnh đã huy động xã hội hóa được gần 100 tỷ đồng để xây dựng phòng học, nhà bán trú cho học sinh. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có trên 550 lượt nhà giáo, người dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Ngành GD&ĐT tích cực triển khai các hoạt động giáo dục và phòng, chống Covid-19 

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 303 trường mầm non, phổ thông; có 77.716 học sinh từ mầm non đến phổ thông. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đạt 97,86%. Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tiếp tục được củng cố và giữ vững. Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, song ngành GD&ĐT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là xã hội hóa giáo dục mầm non tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục được thực hiện tốt. Đến nay, có 100% các trường học được kết nối Internet và có hệ thống mạng; nhiều trường đã quan tâm đầu tư máy chiếu, tivi, máy tính cho các lớp học để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Có thể thấy, 25 năm qua, công tác GD&ĐT đã có nhiều đổi mới căn bản và toàn diện, đóng góp vào quá trình phát triển chung của cả tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tiếp theo, ngành GD&ĐT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT vừa phòng chống dịch Covid-19; tăng cường giáo công tác dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT.../.

Ngọc Tú