PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn - Chặng đường 25 năm phát triển và trưởng thành
Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, với xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển... Tuy vậy, 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vươn mình phát triển mạnh mẽ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác
thăm nắm hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Thành tựu sau 25 năm xây dựng và phát triển

Sau 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 1997 - 2021 ước đạt 7,7%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng lên gần 37 lần, từ 362 tỷ đồng năm 1997 tăng lên hơn 13.379 tỷ đồng năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,25 triệu đồng/người năm 1997, đến năm 2021 ước đạt 41,8 triệu đồng/người, tăng gần 31 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp đã giảm từ 60,9% năm 1997 xuống còn 29,8% năm 2021; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,5% năm 1997 lên 14,7% năm 2021; khu vực dịch vụ tăng mạnh từ 29,6% năm 1997 lên 52,4% năm 2021. Thu ngân sách nhà nước năm 1997 là 16,7 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 760,2 tỷ đồng, tăng hơn 45 lần.

Quy mô ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh năm 2021 ước đạt trên 3.987 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1997 và chiếm 29,8% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp giai đoạn 1997 - 2021 ước đạt 5,2%/năm. Đến nay, tổng diện tích cây lương thực đạt trên 37,2 nghìn héc-ta, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng gấp 2 lần so với năm 1997, lương thực bình quân đầu người từ 305 kg năm 1997, tăng lên 562 kg năm 2021. Tổng diện tích rừng trồng mới trong giai đoạn 1997-2021 đạt trên 157 nghìn héc-ta, trong đó có 921 ha rừng được cấp chứng chỉ về bảo vệ rừng bền vững (FSC); độ che phủ rừng của tỉnh tăng lên 73,4% năm 2021, Bắc Kạn trở thành tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được thực hiện thường xuyên, kịp thời theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Toàn tỉnh có 15/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thành phố Bắc Kạn là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Nông dân xã Nông Hạ (Chợ Mới) sử dụng máy cơ giới để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa.

Sau 25 năm, ngành công nghiệp đã có những tăng trưởng nhất định. Quy mô ngành công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt gần 950 tỷ đồng, tăng 62 lần so với năm 1997. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ, năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh so với năm 1997 được nâng lên rõ rệt, có nhiều tiến bộ; nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong những năm tiếp theo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 01 khu công nghiệp, có 06 cụm công nghiệp được phê duyệt thành lập, đang triển khai các bước, thủ tục đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng đều qua các năm, điểm số có xu hướng sát lại gần hơn so với mức điểm trung bình của vùng trung du miền núi phía Bắc và trung bình cả nước.

Đối với khu vực dịch vụ, đây là khu vực ổn định, tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế của tỉnh những năm qua. Quy mô ngành dịch vụ năm 2021 ước đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 65 lần so với năm 1997. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 33 lần so với năm 1997. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đến năm 2021 ước đạt 28 triệu USD. Du lịch phát triển khá, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 1997 - 2021 đạt khoảng 4 triệu lượt, tốc độ tăng doanh thu du lịch bình quân đạt 20%/năm.

Kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ được quan tâm, chú trọng đầu tư. Sau 25 năm, mạng lưới giao thông vận tải đã có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh phát triển được trên 4.521 km đường, gồm 05 tuyến quốc lộ, 14 tuyến đường tỉnh, 49 tuyến đường huyện và hệ thống đường xã, thôn bản; có 01 tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng - hồ Ba Bể dài 29,3 km. Lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được triển khai đồng bộ và có bước phát triển mạnh. Đến hết năm 2021, cả tỉnh dự kiến có 88,3% hộ gia đình văn hóa; có 89% làng, bản, thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa và 63% xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Hiện toàn tỉnh có 302 trường học các cấp, trong đó đến hết năm 2021 dự kiến có 104 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn, cả tỉnh đạt 32,3 giường bệnh/một vạn dân, có 17,1 bác sĩ/10.000 dân; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được cấp ủy và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Các chương trình giảm nghèo được tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh đến cuối năm 2020 là 18,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều), dự kiến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 1,39% theo chuẩn nghèo mới...

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong những năm qua được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đến nay đạt 91%; 1/1 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Công tác quản lý đất đai được triển khai thực hiện toàn diện theo quy định. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được chỉ đạo thực hiện nghiêm. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh; công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính... được duy trì thực hiện tốt.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới

Giai đoạn tới, tỉnh đề ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quy hoạch của vùng lân cận. Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất.

Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn
tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu; xây dựng chính quyền các cấp theo hướng “kiến tạo”. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; du lịch và công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch, mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị. Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới...

Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến; xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông và hạ tầng nông thôn. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hoá và nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch. Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động; hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước.

Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

* Về kinh tế: Đến năm 2025, quy mô kinh tế của tỉnh tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020 và năm 2030 tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,4 - 7,75%/năm; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5-7%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 8,3-8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 18-18,5% và dịch vụ chiếm 53-54% trong GRDP. Đến năm 2030, tỷ trọng lần lượt là: 18-18,5%; 22-22,5% và 58-59%.

* GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 61-62 triệu đồng vào năm 2025 và đạt 74-75 triệu đồng vào năm 2030. Năng suất lao động đạt 81,5 triệu đồng (giá hiện hành) vào năm 2025 và đạt 92 triệu đồng vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 từ 30 nghìn đến 30,5 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 35.000 đến 37.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, mức tăng bình quân đạt từ 12-14%/năm; đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt 26%.

* Về phát triển xã hội: Cơ cấu lao động nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2025 lần lượt là 42% - 26% - 32% và năm 2030 là 35,5% - 29,7% - 34,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72% năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; trong đó có bằng, chứng chỉ đạt trên 30% năm 2025 và đạt 40% năm 2030. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đến năm 2025 và năm 2030 duy trì dưới 2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và trên 2%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đến năm 2025, đạt 32 giường bệnh và trên 17 bác sĩ/10.000 dân; đến năm 2030 đạt 33 giường bệnh và trên 17 bác sĩ/10.000 dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế duy trì trên 98%. Đến năm 2025, cả tỉnh có thêm 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 174 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

* Về môi trường: Duy trì tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,5%, trong đó 50% được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn tại đô thị là 92% và 40% trở lên đối với nông thôn. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trong tỉnh đến năm 2025 và năm 2030 đạt 100%. Đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu Kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70%.

Trải qua chặng đường 25 năm trưởng thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp./.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo baobackan.com.vn