Độ tương phản
Hàng ngày người Tày ăn hai bữa chính: bữa trưa và bữa tối. Ngoài ra tuỳ từng gia đình, người ta có thể ăn sáng, ăn chiều (ăn phụ - chin lèng) trước khi đi làm. Ai có nhu cầu thì ăn chứ không dọn thành mâm, thành bữa. Cơm và thức ăn là phần dư thừa của các bữa chính hoặc cháo nấu vừa cho con trẻ, cụ già. Vì vậy, bữa cơm chính các bà, các chị thường nấu nhiều để phòng khách đến gặp bữa cùng ăn, vừa có cơm canh dư cho bữa phụ. Vào bữa ăn, từ ông bà đến con trẻ, dâu rể cùng ăn uống vui vẻ từ tốn chứ không ăn trước ăn sau. Ông bà, con trẻ được gắp cho miếng ngon miếng lành, nhưng còng (đùi) gà thường ưu tiên dành cho con trẻ.
Người Tày ăn cơm gạo tẻ nên trên đồng ruộng cũng chủ yếu trồng lúa tẻ. Những ngày tháng giáp hạt, đồng bào có thể ăn cơm độn ngô hoặc cơm khô, cơm độn sắn khoai, các loại củ khác chỉ nướng, luộc hoặc chế biến thành bột làm bánh ăn thêm, "ăn chơi" bổ sung cho các bữa ăn chính.
Người tày làm bánh (Ảnh: Internet).
Ngoài bữa cơm tẻ và các hoa mầu lương thực, thỉnh thoảng các gia đình vẫn nấu cơm nếp, đồ xôi. Nhưng gạo nếp thường chủ yếu dùng để chế biến các loại xôi, bánh như một hương vị đặc trưng cho các kỳ tết, lễ nghi.
Tháng 9 mùa cốm, nhà nhà hái lúa nếp non, thanh niên tụ tập giã cốm. Ăn cốm với đường phên, đường cát, đỗ, bột quả hồng khô, với thịt vịt băm nhỏ rang thơm... Có nhà còn làm cốm ép, cốm bánh với sự khéo léo riêng để bánh vẫn xanh mầu lúa, thơm mùi cốm. Ngày nay mùa giã cốm - mùa vui của cả bản làng, nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá ấy đã và đang lùi dần về quá khứ.
Từ gạo nếp, đồng bào Tày còn làm bánh dầy, đồ xôi cúng tổ tiên, ma chay, thần linh, gói bánh chưng, buộc lạt đỏ mang đi đón dâu.
Cùng với chế biến các món ăn từ lương thực, người Tày còn chế biến các món ăn từ thịt, cá, xào nấu rau, măng, .... Những món ăn dân dã như thịt xào gừng nghệ, thịt lợn hầm nhừ với lá móc mật, cá hầm với quả trám trắng, cá, nhộng tằm, nhộng ong khoái, nấm đất xào nấu với măng chua, bát canh rau ngót rừng ... rất được đồng bào ưa thích.
Những người Tày có nghệ thuật ẩm thực sành sỏi đã liệt kê các món khoái khẩu:
Đông nựa nạn
Bán nựa ma
Nặm pín pha
Nà phắc chắm
(Rừng: thịt hươu
Làng: thịt chó
Nước: ba ba
Ruộng: chua me)
Thức uống thông dụng là nước sôi để nguội. Nhiều khi đi làm xa nhà phải uống nước lã ở các khe suối. Trong gia đình, người Tày đều uống nước chè. Ngoài chè cây nhỏ phổ biến ở mọi vùng, còn có chè san, chè tuyết cây to ở Bằng Phúc, Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư được đồng bào ưa dùng. Có nơi dùng chè là loại cây dây leo mọc tự nhiên. Mùa đông có người dùng lá cây đầu ho đun uống vừa thơm lại vừa phòng chống ho.
Rượu thường được dùng trong lễ, tết, cưới xin, tiếp khách, ngâm tẩm thuốc để uống sau buổi làm việc mệt nhọc. Nam giới ưa dùng rượu có nồng độ cao. Nữ giới ít uống rượu hoặc uống nước rượu ngọt chưa cất, rượu nếp./.
Độc đáo bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm (05/04/2023)
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)