PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/01/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn nỗ lực trên hành trình giảm nghèo bền vững
Những năm qua, công tác giảm nghèo tại Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khi mới tái lập tỉnh, điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tình trạng du canh, du cư còn phổ biến nên tỷ lệ hộ đói nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước. Thực trạng này có thể thấy qua số liệu thống kê năm 1997 khi toàn tỉnh có tới 95 xã chưa có điện lưới, 11 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 33 xã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng chỉ đi được vào mùa khô; 68,2% số phòng học là nhà tạm, 62,3% trạm y tế xã là nhà xây cấp 4; 9.357 hộ phải ở nhà tạm…

Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong các giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo
bền vững (Ảnh: Mô hình trồng quýt tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông)

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện kế hoạch giảm nghèo; kết hợp hài hòa giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Trong giai đoạn 1997 - 2003, tỉnh đã phê duyệt 1.196 dự án cho vay giải quyết việc làm thông qua 2 kênh Trung ương và địa phương với tổng số vốn 33.772 triệu đồng, hỗ trợ tạo việc làm và thu hút việc làm cho 15.776 lượt người. Phần lớn các dự án phục vụ sản xuất tập trung vào chăn nuôi và trồng trọt, góp phần ổn định việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,9% năm 1997 xuống còn 21,81% năm 2003 (theo tiêu chí của giai đoạn này).

Trường lớp được xây dựng khang trang, kiên cố, giáo dục được quan tâm đầu tư
(Ảnh: Điểm trường Tiều học ở huyện Chợ Đồn)

Trong các giai đoạn sau, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 30a; Chương trình 135... Từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo càng được thực hiện quyết liệt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó xác định Chương trình giảm nghèo bền vững là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh ban hành Đề án thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện...

Tổng kế hoạch vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hơn 814 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 266 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các địa phương đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ, lồng ghép với nguồn lực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Vì thế, giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 2,18% hộ nghèo, kết thúc năm 2020, tỉnh còn 18,5% hộ nghèo.

Đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao
(Ảnh: N
gười dân Nà Lồm, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông vui Ngày hội đại đoàn kết)

Với sự nỗ lực triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, năm 2021, toàn tỉnh còn 17,02% hộ nghèo và 10,11% hộ cận nghèo. Tuy nhiên nhìn chung, Bắc Kạn vẫn là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của cả nước, toàn tỉnh còn 2 huyện nghèo và 67 xã đặc biệt khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, ngăn chặn tái nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn lực và huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó là triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết mở rộng thị trường đầu ra, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời thực hiện tốt việc phân bổ nguồn lực của chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên; lồng ghép với các chương trình, dự án khác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn./.

Thu Trang