PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/02/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Năm 2025: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững
Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, đào tạo nghề và tạo môi trường thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trước đây, gia đình anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng, xã Yên Mỹ (Chợ Đồn) thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng ý chí tự lực, chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. Anh Nghiệp cho biết, năm 2020, gia đình được hỗ trợ 1 con trâu từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Sau đó, anh mạnh dạn vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội 60 triệu đồng mua thêm 8 con bò, đầu tư chuồng trại, trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Đàn trâu, bò sinh sản, phát triển tốt qua mỗi năm, có thêm vốn, anh tìm hiểu và bắt đầu mô hình nuôi nhím và đầu tư trồng rừng, đem lại thu nhập ổn định.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của huyện Chợ Đồn, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện là 1.454 hộ, chiếm tỷ lệ 10,9%, giảm so với thời điểm tháng 12/2023 là 270 hộ, tương ứng với mức giảm 2,1%; số hộ cận nghèo là 757 hộ, chiếm tỷ lệ 5,6%, giảm so với thời điểm tháng 12/2023 là 103 hộ, tương ứng với mức giảm 0,82%.

Để đạt kết quả này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Ma Doãn Kháng cho biết, cùng với tập trung tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên rà soát, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn; tích cực phối hợp mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Na Rì phối hợp với Trung tâm Đào tạo Hitech Hà Nội mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn 

Trên phạm vi toàn tỉnh, các địa phương khác cũng tập trung triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 8.500 người, đạt 132,8% kế hoạch; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.622 người, đạt 231,7% kế hoạch; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 10.000 người, đạt 125% kế hoạch; tuyển sinh và đào tạo là 11.400 người, đạt 190% kế hoạch; tiếp nhận 1.412 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, ban hành quyết định cho 1.405 người với tổng số tiền chi trả hơn 21,4 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân và hoạt động đào tạo nghề... Nguồn lực nhà nước và xã hội hóa đã có tác động tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ các chính sách này, cộng với sự nỗ lực của người dân, kết thúc năm 2024, số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 2,49%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các huyện nghèo giảm hơn 4,1% (giảm từ 46,61% xuống còn 42,44%)...

Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân từ 2% - 2,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% - 5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Để thực hiện đạt kế hoạch, tỉnh đã lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với tổng nguồn vốn 215 tỷ đồng, dự kiến hơn 1.800 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi từ các chính sách này.

Tỉnh cũng xác định thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đầu tư trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch, tiềm năng của địa phương; xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo để kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả. Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; công khai, minh bạch các nguồn vốn, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải./.

Thu Trang