Độ tương phản
Thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã được triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo cho huyện nghèo, từ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đến các mô hình sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… Chỉ tính riêng năm 2024, huyện Ngân Sơn được đầu tư 32 công trình bao gồm 19 công trình giao thông, 6 công trình giáo dục, 2 công trình nhà văn hóa, 4 công trình thủy lợi, 1 công trình y tế để đạt chuẩn quốc gia; duy tu bảo dưỡng 28 công trình thuộc Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, hàng trăm các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo, huyện nghèo được triển khai trên địa bàn huyện như các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (nuôi gà, ngựa bạch sinh sản, trâu, bò sinh sản, trâu bò thịt, hỗ trợ các loại cây trồng), hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ về nhà ở, các chính sách tín dụng ưu đãi… đã tạo nguồn lực không nhỏ, giúp cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình anh Sùng Văn Phúng, thôn Sáo Sào, xã Thượng Quan chăm sóc rừng thông theo kỹ thuật được hướng dẫn
Thôn Sáo Sào, xã Thượng Quan là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh với hơn 50 hộ dân chủ yếu là đồng bào Mông cùng sinh sống. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô đồi, lại chỉ trồng được một vụ và canh tác vẫn theo kinh nghiệm truyền thống cũ, áp dụng khoa học kĩ thuật còn hạn chế dẫn đến năng suất đạt thấp. Một số hộ có đất ruộng khai phá từ chân đồi nơi có khe nước nhưng do không biết cách chăm sóc nên cây lúa kém phát triển, năng suất không cao.
Những năm vừa qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân thôn Sáo Sào được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật… từng bước đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất.
Từng không có gia súc để chăn nuôi, gia đình anh Sùng Văn Phúng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, hiện nay đã phát triển lên 4 con, giúp gia đình có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo. Khi đàn vật nuôi phát triển, gia đình anh lại chuyển 1 con bò sinh sản cho hộ khác để phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình hiệu quả. Bên cạnh đó, dựa trên điều kiện khí hậu, anh cùng người dân trong thôn đã tập trung phát triển rừng trồng, trong đó trồng cây thông là chính. Được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, gia đình anh Sùng Văn Phúng là một trong những hộ có kinh tế phát triển hơn nhờ trồng cây thông với khoảng 4 ha. Dù thời gian trồng và chăm sóc kéo dài nhưng cây thông nhưng lại cho thu hoạch cả nhựa và gỗ, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Anh cho biết, hiện nay con cái được đi học đầy đủ, cuộc sống đã bớt nghèo rồi.
Anh Linh Văn Mình, Trưởng thôn Sáo Sào cho biết, những năm qua, thôn đã được hỗ trợ từ nhiều chương trình như giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều chương trình khác, giúp bà con về cây con giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật. Trong thôn đã có hơn 10 hộ có nhà xây kiên cố. Nhà văn hóa, điểm trường đã được đầu tư. Điện lưới quốc gia cũng đã được kéo về thôn. Người dân sử dụng internet để học hỏi kiến thức trồng trọt, chăn nuôi và xem tin tức. Mặc dù còn khó khăn, song cuộc sống người dân đã khấm khá hơn.
Không chỉ riêng Sáo Sào, toàn xã Thượng Quan và các xã của huyện Ngân Sơn đã có nhiều đổi thay từ những mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó xuất khẩu lao động là một trong những hình thức hỗ trợ giúp người dân vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững. Không những tạo việc làm cho lao động nông thôn mà xuất khẩu lao động còn góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Toàn huyện Ngân Sơn, những năm gần đây có hàng trăm gia đình có con em đi xuất khẩu lao động không những thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng.
Gia đình anh Hoàng Văn Đàm tại thị trấn Nà Phặc cho biết, trước khi chưa đi xuất khẩu lao động nhà nghèo lắm, chẳng biết làm gì, hằng ngày chỉ làm ruộng, không có thu nhập. Sau khi được cơ quan chuyên môn tư vấn, anh quyết định sang Hàn Quốc lao động và có thu nhập từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng mỗi tháng. Cuộc sống giờ đỡ khó khăn hơn rất nhiều.
Với đặc điểm người lao động ở các thôn, bản còn khó khăn, vùng cao, trình độ lao động phổ thông, chủ yếu làm nông nghiệp nên huyện đã tuyên truyền, định hướng cho người lao động tham gia vào các lĩnh vực làm nông nghiệp, phù hợp với tay nghề, như chăn nuôi bò sữa, trồng rau, trồng nấm trong nhà kính... Nhiều gia đình có thu nhập rất ổn định, về xây dựng nhà cửa khang trang, xây dựng trang trại, có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ tính riêng năm 2024, huyện Ngân Sơn đã hỗ trợ có 12 người xuất khẩu lao động theo tiểu dự án 2, dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Với đa dạng các mô hình giảm nghèo cùng với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của người dân, năm qua, huyện Ngân Sơn đã có 356 hộ thoát nghèo, giảm 4%, đạt mục tiêu của huyện, của tỉnh đề ra. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Với mục tiêu phấn đấu giảm từ 4% hộ nghèo trở lên năm 2025, huyện Ngân Sơn tiếp tục triển khai toàn diện các chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân để giảm nghèo bền vững./.
Năm 2025: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững (14/02/2025)
Giảm nghèo đa chiều - bao trùm - bền vững (15/01/2025)
Huy động được gần 43 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trong năm 2024 (14/01/2025)
Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững (09/01/2025)
MTTQ các cấp tập trung hỗ trợ hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán (01/01/2025)