PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bắc Kạn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Lớp sản xuất phân bón vi sinh tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn trong giờ thực hành

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ đạo tập trung thực hiện, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% và năm 2020 đạt 45%. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956). Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các cấp được thành lập và thường xuyên kiện toàn, củng cố, hoạt động theo quy chế, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên triển khai rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại địa phương hằng năm.

Để triển khai thực hiện Đề án, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đã bố trí cán bộ theo dõi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn hằng năm được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết số cán bộ, công chức cấp xã sau khi được bồi dưỡng đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp thực hiện nhiệm vụ ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các hoạt động của Đề án 1956 đều được triển khai có hiệu quả.

Trong quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện chế độ hỗ trợ đào tạo nghề và chế độ cho người học nghề đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Người học khi tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Ngoài các chế độ chính sách theo quy định, đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 01 trường Cao đẳng, 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, 03 doanh nghiệp và 03 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp trình độ đào tạo đạt trên 71.400 lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đạt 29.720 người; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã được trên 4.000 người, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Sau học nghề, có trên 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học áp dụng vào thực tế sản xuất; có trên 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; đồng thời góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 10 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từng bước gắn với thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới; xác định rõ các mục tiêu, chính sách phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức của người dân về học nghề đã có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề thụ động, được vận động theo phong trào đã chuyển sang chủ động học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng, tìm được việc làm có thu nhập ổn định, từng bước làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Qua rà soát, từ năm 2010 đến năm 2019, toàn tỉnh đã có gần 1.800 hộ có người tham gia học nghề được thoát nghèo, gần 2.300 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. Dự kiến năm 2020, toàn tỉnh có 235 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo và 321 hộ gia đình có người tham gia học nghề có thu nhập khá.

Bạch Thông là địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Những năm qua, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện; chương trình đào tạo nghề được gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính vì vậy, số lượng lao động qua đào tạo nghề hằng năm đều tăng, từ năm 2010-2020, tổng số lao động nông thôn đã học xong và được cấp chứng chỉ nghề đạt 1.888 người. Sau học nghề, 1.198 người có việc làm, nâng quy mô nuôi trồng, sản xuất, tăng thu nhập. Sau 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 37,5%, tăng 22% so với năm 2010.


Các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956
giai đoạn 2018-2020 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956 là đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bắc Kạn, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh./.

Hương Dịu