PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030”
Sáng 22/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ, trong đó 71 dự án hoàn thành với quy mô gần 40.000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn.

Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng; tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã đánh giá những thuật lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian qua. Đồng thời, nêu các giải pháp triển khai đối với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế và kế hoạch đầu tư công để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; việc quy hoạch, bố trí quỹ đất và chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải coi việc triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bởi đây là dự án đảm bảo an sinh, đời sống ấm no, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, từ đó có những cách làm sáng tạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện dự án. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát kỹ, áp dụng Luật Đất đai mới được thông qua và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để triển khai dự án nhà ở xã hội; các khu nhà ở xã hội phải gắn liền với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân khi đến ở.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động nguồn đất sẵn có của các doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn…/.

Thu Cúc