PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/06/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn tích cực thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2018 - 2021
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự gắn kết và quan tâm trực tiếp của lãnh đạo địa phương đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bạo lực giới, trọng tâm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung Đề án. Chú trọng những địa phương, địa bàn có biểu hiện, nguy cơ cao bất bình đẳng giới để xác định các hoạt động ưu tiên. Lồng ghép, kết hợp các hoạt động thực hiện Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan đang được triển khai trên địa bàn tỉnh bảo đảm không chồng chéo, hiệu quả.

Ban Dân tộc phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền Đề án tại mô hình điểm xã Hoàng Trĩ

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu dựa trên các chỉ tiêu phản ánh mức độ bình đẳng giới như: Chỉ tiêu về quyền bảo vệ an ninh và bảo vệ thân thể, quyền lao động, chỉ tiêu về thu nhập của phụ nữ, quyền sở hữu về tài sản, quyền học tập, quyền tham chính, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, xã hội…, từ đó đánh giá xu hướng, mức độ bất bình đẳng giới tại địa phương. Trên cơ sở kết quả khảo sát, tỉnh lựa chọn 2 xã để triển khai xây dựng mô hình điểm Đề án là xã Đôn Phong (Bạch Thông) và xã Hoàng Trĩ (Ba Bể). Đến năm 2021, triển khai nhân rộng thêm 2 mô hình điểm tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) và xã Thanh Vận (Chợ Mới). Các mô hình điểm bước đầu đã phát huy được hiệu quả và được người dân đồng tình ủng hộ.

Cùng với đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức 8 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại các thôn về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới, với gần 400 người dân tham dự. Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới tại 2 điểm trường thuộc mô hình điểm xã Đôn Phong và xã Hoàng Trĩ, thu hút đông đảo các em học sinh và phụ huynh tham gia. Thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo, đã giúp người dân và các em học sinh nâng cao kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền thông qua các sản phẩm truyền thông là một trong các hình thức hiệu quả, trực quan, sinh động, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Từ đó, tỉnh đã tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa từng dân tộc: Biên soạn 230 cuốn Sổ tay thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, nội dung cung cấp các thông tin về thực trạng bình đẳng giới tại Việt Nam nói chung, vùng dân tộc thiểu số và tỉnh Bắc Kạn nói riêng; 440 tờ gấp tuyên truyền các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực và các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về bình đẳng giới...

Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án, trong năm 2020, tỉnh tổ chức được 4 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở với gần 200 người tham dự. Ngoài ra, công tác tập huấn, nâng cao năng lực về bình đẳng giới còn được thực hiện thường xuyên, lồng ghép trong các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, các hội nghị bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các lớp tập huấn đã hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức khả năng lồng ghép hiệu quả các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời nâng cao kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở.

Trong thời gian tới, tỉnh đề ra giải pháp tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình, những cách làm, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”./.

Thu Trang