PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Giai đoạn 2016 - 2020, công tác phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng GD&ĐT từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên luôn được tỉnh
quan tâm thực hiện (Ảnh: Các giáo viên tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp tỉnh
năm học 2020 - 2021 nhận khen thưởng của Hội Khuyến học tỉnh)

Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng mới 417 và sửa chữa, cải tạo 614 phòng lớp học; xây mới 104 và cải tạo, sửa chữa 100 phòng bộ môn… ngoài ra còn nâng cấp, sửa chữa, cải tạo nhiều công trình khác như nhà đa năng, khu để xe, sân tập, sân khấu, nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, cổng, hàng rào... Cùng với đó, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, tỉnh đã huy động xã hội hóa được gần 100 tỷ đồng để xây dựng phòng học, nhà bán trú cho học sinh.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đén công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có trên 550 lượt nhà giáo, người dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Các trường học tích cực tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể”, triển khai tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” phù hợp với từng cấp học và đối tượng học sinh.

Nhờ sự đồng thuận giúp đỡ của các cấp, các ngành và phụ huynh học sinh nên nhiều trường đã xây dựng được cảnh quan đẹp, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện, tiêu biểu như Trường Mầm non Bình Văn (Chợ Mới), Trường Mầm non thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn), Trường Tiểu học Cao Tân (Pác Nặm), Trường Trung học phổ thông Quảng Khê (Ba Bể)...

Thực hiện chủ trương chung, việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, điểm trường, lớp học trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Việc tinh giản biên chế và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện theo hướng tập trung. Năm 2016, tổng số biên chế được giao cho sự nghiệp GD&ĐT là 7.423 người; năm 2021 số biên chế được giao 6.808 người, so với năm 2016 giảm 615 biên chế, trong đó cán bộ quản lý giảm 148 người.

Nhằm giảm áp lực cho các trường mầm non công lập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương thực hiện công tác xã hội hóa đối với cấp học mầm non thông qua việc mở các nhóm trẻ tư thục và xây dựng trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm học 2020 - 2021, tỉnh đã có 1 trường mầm non tư thục, 55 nhóm trẻ ngoài công lập với hơn 1.000 trẻ, tạo việc làm cho trên 100 giáo viên.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú, 22 trường phổ thông dân tộc bán trú và các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Kạn tiếp tục được đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục, xây mới 8 phòng học, 7 phòng bộ môn, 16 phòng nhà ở nội trú.

Công tác giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, định hướng nghề cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Sau 5 năm (2016 - 2020), có trên 18.000 học sinh trung học cơ sở được tư vấn hướng học, trên 21.000 học sinh trung học phổ thông được tư vấn hướng nghiệp. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố và duy trì, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng qua các năm; việc duy trì sĩ số được đảm bảo; tỷ lệ học sinh lưu ban, học sinh bỏ học giảm; hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt và vượt kế hoạch.

Cùng với những kết quả đã đạt được, công tác GD&ĐT của tỉnh hiện cũng còn gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật... nên chưa đáp ứng việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, giáo dục mũi nhọn còn hạn chế, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu…

Xác định rõ mục tiêu GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, thời gian gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục bám sát các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT; chỉ đạo ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT…/.

Ngọc Tú