PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông: Chuyển biến rõ nét về văn hóa sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), lĩnh vực văn hóa trên địa bàn huyện Bạch Thông được quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng và có sự chuyển biến rõ nét, đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), lĩnh vực văn hóa trên địa bàn huyện Bạch Thông được quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng và có sự chuyển biến rõ nét, đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú.

Trong những năm qua, huyện Bạch Thông đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại Nghị quyết số 37-NQ/TW gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hằng năm, huyện Bạch Thông đều tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ; duy trì việc tổ chức các giải thi đấu thể thao và tổ chức đại hội thể dục thể thao các cấp theo định kỳ, đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng trên địa bàn huyện. Đặc biệt năm 2017, được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện Bạch Thông đã khôi phục thành công Lễ hội lồng tồng thị trấn Phủ Thông, tổ chức vào đúng ngày truyền thống 20 tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách gần xa đến với Lễ hội.

Năm 2017, Lễ hội Lồng tồng thị trấn Phủ Thông được khôi phục tổ chức đúng ngày truyền thống 20 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. Do đó, các loại hình câu lạc bộ (CLB) về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… cũng được cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn quan tâm thành lập như: CLB hát then, đàn tính xã Đôn Phong, Lục Bình, Mỹ Thanh; CLB Bóng chuyền hơi người cao tuổi thị trấn Phủ Thông, CLB Bóng chuyền hơi xã Quân Bình, Đôn Phong; toàn huyện đã có 47 CLB Gia đình phát triển bền vững, 15 CLB Văn hóa, thể thao - Làng văn hóa…

Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều quy hoạch diện tích đất cho nhà văn hóa, khu thể thao cấp xã, cấp thôn; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bạch Thông có 151/155 thôn bản có nhà văn hóa, trong đó có 68 nhà văn hóa đạt chuẩn; 112 khu thể thao từ huyện đến cơ sở, trong đó có 06 nhà văn hóa cấp xã; 02 sân vận động; 17/17 xã, thị trấn đều có trạm truyền thanh cơ sở, có cán bộ phụ trách công tác văn hóa và thông tin.

Toàn huyện đã có 68 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của các khu   dân cư

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã được huyện Bạch Thông cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các phong trào thi đua yêu nước khác. Riêng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả. Đến năm 2018, toàn huyện có 85,3% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 68,4% thôn, tổ phố đạt “Khu dân cư văn hóa”, 91,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Theo báo cáo của Huyện ủy Bạch Thông, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được huyện thực hiện theo đúng các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa kết hợp với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hiện nay, toàn huyện có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia, 04 di tích lịch sử cấp tỉnh, 15 di tích đã được kiểm kê đưa vào danh mục. Hàng năm, huyện đều phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, cấp quốc gia và đề xuất các giải pháp trùng tu, tôn tạo, sưu tầm, phục dựng, cụ thể như: Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, người Tày; Thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh của người Dao; nghề làm Xíu Soòng của người Hoa; lễ đầy tháng của người Tày; cách làm trang phục dân tộc Dao đỏ…

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện Bạch Thông đã có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được phát huy…; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được quan tâm xây dựng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đạt được những kết quả nhất định.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, huyện Bạch Thông xác định thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền. Huyện Bạch Thông cũng đã kiến nghị UBND tỉnh có chính sách đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân vận động cấp huyện, cấp xã; có chính sách hỗ trợ, giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của các dân tộc trên địa bàn./.

Hương Dịu