PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị về sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng
Cử tri tỉnh Bắc Kạn có ý kiến: “Đề nghị sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 3 qua trung tâm xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), vì hiện nay, mật độ dân cư dọc tuyến đường khá đông và phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng".

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Công văn số 2576/BGTVT-KHĐT ngày 12/3/2024 như sau:

Về tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kết nối giao thông đến tỉnh Bắc Kạn hiện nay chỉ thông qua phương thức vận tải đường bộ nên cần tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông tốc độ cao, hiện đại, trong đó có tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng để kết nối tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Cao Bằng và các cửa khẩu của Trung Quốc. Tuyến cao tốc này được đầu tư sẽ liên kết với các tuyến cao tốc: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc tương đối hoàn chỉnh trong khu vực, kết nối vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội và các cảng biển phía Bắc; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực. Vì vậy, việc sớm nghiên cứu, đầu tư dự án là cần thiết. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND  tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện nay, cả hai địa phương đang tích cực triển khai thủ tục nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai công tác nghiên cứu đầu tư dự án.

Về đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 3 qua trung tâm xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn)

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, QL.3 có chiều dài 126 km, quy mô quy hoạch đường cấp IV-III, 2 làn xe. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn về sự cần thiết đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 3 qua trung tâm xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho Nhân dân trong vùng, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên  tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên Bộ Giao thông vận tải chưa thể cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến tránh này.

Tại khoản 5 mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực, nghiên cứu đầu tư một số tuyến tránh đô thị,…”. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát, thiết kế tuyến tránh nêu trên khi có điều kiện nghiên cứu đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 3. Trường hợp tỉnh có nhu cầu sớm đầu tư tuyến tránh, đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn nghiên cứu, quy hoạch tuyến tránh này và chủ động huy động nguồn lực đầu tư. Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Kạn trong quá trình triển khai thực hiện./.

DT