PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cẩm Giàng: Miền đất cách mạng nơi Bác đến thăm
Vinh dự là nơi được Bác Hồ tặng bốn câu thơ bất hủ, làm theo lời dạy của Người, những năm qua, nhân dân các dân tộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông đã đoàn kết, phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc, quê hương ngày càng đổi mới đi lên.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tự hào là nơi Bác đến thăm

 Di tích lịch sử Nà Tu được xây dựng khang trang (ảnh internet)

Nà Cù và Nà Tu là tên gọi hai bản thuộc xã Cẩm Giàng (Bạch Thông), nằm cạnh quốc lộ 3. Nà Cù là nơi đơn vị thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường Nà Cù, Phủ Thông trên đường Bắc Kạn đi Cao Bằng mà trọng điểm là cầu Nà Cù. Còn Nà Tu là nơi Bác Hồ đến thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 ngày 28/3/1951 và tặng toàn thể cán bộ, đội viên thanh niên xung phong bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới. Để đáp ứng yêu cầu to lớn của cuộc kháng chiến, không những chỉ cần huy động hàng chục nghìn nhân công mà còn phải tổ chức thêm một lực lượng trẻ, khỏe để phục vụ kháng chiến. Lực lượng này bao gồm những thanh niên tình nguyện, đội quân chủ lực trong dân công mở đường, bảo vệ cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược… vì mục tiêu “tất cả cho chiến dịch toàn thắng”. Hồ Chủ tịch đã trực tiếp chỉ thị cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập đội thanh niên xung phong để phục vụ chiến trường.

Ngày 15/7/1950, đội thanh niên xung phong được thành lập. Chiến dịch biên giới mở đầu những trang sử vẻ vang của đội. Sau chiến dịch biên giới (chiến dịch Lê Hồng Phong II), biên giới Việt Trung được khai thông. Đường quốc lộ 3 không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông dương mà còn là đường giao thông huyết mạch của các chiến trường toàn quốc.

Đường quốc lộ 3 chạy từ Hà Nội lên Thái Nguyên qua Bắc Kạn, vượt Đèo Giàng, Đèo Gió lên Cao Bằng gặp đường số 4 (Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái). Từ quốc lộ 3 trên địa phận Thái Nguyên - Bắc Kạn, còn nhiều tuyến đường giao thông khác nối liền với các tỉnh bạn.

Thấy rõ tầm quan trọng của đường số 3 đối với công cuộc kháng chiến của ta, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này.

Để đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, các liên phân đội thanh niên xung phong được điều động công tác suốt dọc đường quốc lộ 3, đảm nhận sửa chữa, bảo vệ con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến.

Ngày 19/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm lực lượng thanh niên xung phong mở đường và một số đơn vị vận tải, kho tàng dọc tuyến.

Ngày 28/3/1951, tại khu rừng Nà Tu, Hồ Chủ tịch đã đến thăm đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù. Toàn thể cán bộ, đội viên phân đội thanh niên xung phong 312 được vinh dự đón Bác, cùng đi với Bác còn có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp. Sau khi thăm hỏi ân cần, Bác nhắc toàn thể cán bộ và đội viên thanh niên xung phong phải có kế hoạch làm việc, đồng thời tổ chức tốt công việc thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Bác đã tặng toàn thể cán bộ, đội viên thanh niên xung phong phân đội 312 bốn câu thơ trên.

Buổi gặp mặt thân mật giữa Bác với phân đội thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu được diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ.

Sự kiện Bác Hồ đến thăm phân đội thanh niên xung phong 312 ngày 28/3/1951 tại Nà Tu là nguồn động viên to lớn đối với các chiến sỹ trẻ trên mặt trận đảm bảo giao thông. Bốn câu thơ Bác tặng toàn thể cán bộ, đội viên thanh niên xung phong 312 đã được đồng chí Dương Thiết Sơn, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, người đưa Bác đi thăm các liên đội thanh niên xung phong chuyển cho Trung ương Đoàn và đã được nhạc sỹ Hoàng Hòa phổ nhạc thành bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”. Từ đó lời dạy của Bác trở thành niềm tin và cơ sở hành động cho thế hệ trẻ Việt Nam củng cố quyết tâm, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 18/3/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 460/QĐ-BT công nhận và xếp hạng di tích Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạc Thông, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Miền quê cách mạng “cán đích” nông thôn mới

Xã Cẩm Giàng chỉ cách Thành phố Bắc Kạn chưa đầy 10 cây số theo quốc lộ 3 về phía bắc, có 559 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao. Vinh dự là nơi ra đời bốn câu thơ bất hủ của Bác, những năm qua, nhân dân các dân tộc xã Cẩm Giàng đã đoàn kết, phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc, quê hương ngày càng đổi mới đi lên.

 Những ngôi nhà cao tầng mọc lên trong màu xanh của núi rừng (Ảnh internet)

Trong xây dựng nông thôn mới, Cẩm Giàng đã huy động được nguồn lực trên 43 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình, hỗ trợ sản xuất, tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất...  Nhờ đó, Cẩm Giàng đã có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển. Trung tâm xã Cẩm Giàng từ lâu đã hình thành những dãy nhà hai, ba tầng dài hơn một cây số với những nhà hàng, cửa hiệu bên khu chợ nông thôn đông vui tấp nập.  Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, 69% đường trục thôn, liên thôn đã được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân.

Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, xã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp để nâng cao chất lượng cây trồng, tăng thêm thu nhập. Đến nay lương thực bình quân toàn xã đạt 515kg/người/năm, diện tích các loại một số cây màu được mở rộng, giá trị canh tác hàng năm tăng từ 50 lên 100 triệu đồng/ha. Xã đã hình thành vùng sản xuất rau tập trung ở thôn Nà Tu và Nà Cù. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, từ 8 triệu đồng/người vào năm 2011 đến nay đã đạt 22,3 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đạt 515 kg/người/năm. 

Kinh tế xã hội phát triển, an sinh xã hội đảm bảo. 100% trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn được đến trường, 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia. Ba trường học trên địa bàn xã gồm trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Cẩm Giàng đều được xây dựng khang trang và đã được công nhận đạt chuẩn. Trên địa bàn xã không còn nhà ở dột nát, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở dưới mức 10%... 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã Cẩm Giàng đã thực hiện thành công 19 tiêu chí của chương trình, là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn cán đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2016.

 Cẩm Giàng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016

Bằng bàn tay và trí tuệ, thế hệ trẻ Cẩm Giàng hôm nay đang viết tiếp trang sử vàng truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, nỗ lực phấn đấu đưa quê hương vững bước đi lên trên con đường hội nhập./.

Nguyễn Nga (tổng hợp)