PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/05/2010
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cẩm Giàng nơi ấy Bác đến thăm
Gần 60 năm trước, Bác Hồ đã tặng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) bốn câu thơ bất hủ:

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Gần 60 năm trước, Bác Hồ đã tặng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) bốn câu thơ bất hủ:

"Không có việc gì khó 
Chỉ sợ lòng không bền
Ðào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"

Và nó đã trở thành phương châm hành động của lớp lớp thanh niên qua các thời kỳ cách mạng. Còn nhân dân các dân tộc xã Cẩm Giàng - nơi Bác đọc bốn câu thơ nổi tiếng đó đã và đang đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới với phương châm hành động "Quyết chí ắt làm nên".  

Ðến bây giờ các phụ lão vẫn nhớ như in, thường kể lại cho bà con dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) câu chuyện: Ngày ấy Nà Cù và Nà Tu là hai bản người dân tộc Tày thuộc xã Cẩm Giàng nằm dọc quốc lộ 3 - nơi có Phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường Nà Cù - Phủ Thông trên tuyến từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Ngày 28-3-1951, đang làm nhiệm vụ tại Nà Tu thì toàn thể cán bộ, đội viên phân đội vui mừng được đón Bác tới thăm. Bác ân cần thăm hỏi đời sống, điều kiện ăn nghỉ, nói chuyện về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, gian khổ, nhưng nhất định sẽ đi đến thắng lợi. Nói đến đây, Bác hỏi toàn thể cán bộ, đoàn viên phân đội: "Ðào núi có khó không?", "Thưa Bác, đào núi không khó ạ!" - cả phân đội đồng thanh trả lời. Bác lại hỏi: "Thế lấp biển có khó không?". Có nhiều tiếng thì thào, phân vân biển sâu và rộng thế thì làm thế nào để lấp được? Thấy vậy, Bác nói: Nếu chúng ta có quyết tâm thì lấp biển cũng làm được. Rồi trước khi chia tay Bác Hồ đã đọc tặng cán bộ và đội viên Phân đội TNXP 312 bốn câu thơ:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Ðào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"

Sau khi được Bác Hồ đến thăm, toàn phân đội TNXP 312 đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, ngày đêm khắc phục khó khăn, gian khổ và thiếu thốn, vật lộn với mưa lũ, chiến đấu chống địch đánh phá quốc lộ 3 để bảo vệ cầu, đường, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt. Bốn câu thơ bất hủ này sau đó đã được chuyển cho Trung ương Ðoàn để tuyên truyền rộng rãi trong thế hệ trẻ. Nhạc sĩ Hoàng Hòa phổ nhạc bốn câu thơ đó. Từ đó, bốn câu thơ đã làm bừng lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong lớp lớp thanh niên, trở thành phương châm hành động, đạp bằng mọi khó khăn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Năm 1996, Nà Tu được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nhân dân các dân tộc xã Cẩm Giàng được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp.

Xã Cẩm Giàng chỉ cách thị xã Bắc Kạn mười cây số theo quốc lộ 3 về phía bắc. Vinh dự là nơi ra đời bốn câu thơ bất hủ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những năm qua nhân dân các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa ở xã Cẩm Giàng đã đoàn kết, phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc, quê hương ngày càng đổi mới đi lên. Với phương châm "Không có việc gì khó", Cẩm Giàng luôn nhạy bén với những cái mới, từ hàng chục năm trước, nhân dân các xã khác của huyện Bạch Thông còn dùng trâu, bò cày kéo thì nông dân Cẩm Giàng đã biết sử dụng máy cày để làm đất. Người dân đã gieo sạ thay vì cấy như trước đây. Những việc làm đó đã giải phóng sức lao động của nông dân. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng Vũ Văn Thành cho biết: Năng suất lúa bình quân năm 2009 đạt gần 47 tạ/ha một vụ, vì thế đến nay nông dân Cẩm Giàng đã đủ lương thực để ăn, một phần để làm hàng hóa, một phần để phát triển chăn nuôi.

Vốn nhạy bén với những cái mới, Cẩm Giàng luôn là xã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhiều hộ đã chuyển hẳn sang trồng rau màu để phục vụ thị trường, nhân dân các thôn Khuổi Dấu, Khuổi Tranh, Bó Bả những năm trước đã cải tạo vườn đồi để trồng rừng sản xuất nay có tài sản hàng trăm triệu đồng trở lên. Cẩm Giàng không còn đất trống đồi núi trọc, vì tất cả đã được tận dụng để trồng rừng sản xuất.

Gần nơi Bác đọc bốn câu thơ nổi tiếng nay đã mọc lên Nhà máy gang Cẩm Giàng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 con em của xã với mức thu nhập ổn định 2,2 triệu đồng/người/ tháng, nhiều gia đình có hai, ba người là công nhân của nhà máy. Chỉ hơn một tháng nữa, tại bản Nà Cù trước đây, Nhà máy Gạch tuy-nen Cẩm Giàng cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động, hàng trăm con em các dân tộc trong xã đã được Nhà máy tuyển dụng để đào tạo nghề và sẽ vào làm việc tại nhà máy, có thu nhập ổn định. Biết vận dụng cơ hội để phát triển, đến nay 20% số hộ trong xã đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ và hộ nghèo chỉ còn chiếm 5,4% số hộ, là xã còn tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất ở tỉnh Bắc Cạn hiện nay.

Trung tâm xã Cẩm Giàng từ mấy năm nay đã xây dựng hai dãy nhà hai, ba tầng dài hơn một cây số, trong đó có những nhà hàng, cửa hiệu đông vui, hình thành thị tứ tấp nập. Mới chỉ vài ba năm trước còn ô-tô đã vào được hầu hết các thôn, gần như hộ nào cũng có điện lưới quốc gia. Nay Tân Kỳ đã thay da, đổi thịt nhanh chóng ngay tại nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với Phân đội TNXP 312, xã Cẩm Giàng và tỉnh Bắc Kạn đang khẩn trương tôn tạo lại di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cho xứng tầm, xây dựng Nhà trưng bày, đón tiếp khách tham quan xa gần để góp phần giáo dục truyền thống "Không có việc gì khó..." mãi mãi lan tỏa trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.