PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Đồn trên hành trình xây dựng huyện nông thôn mới
Phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua bao khó khăn, đến nay, huyện Chợ Đồn đã vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh và đang nỗ lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

“ATK khoác áo mới”

Bộ mặt nông thôn ở xã khó khăn của huyện Chợ Đồn đang thay đổi từng ngày

Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp đến một số xã dọc tuyến Quốc lộ 3B như Đồng Thắng, Phương Viên, điều dễ nhận thấy là không khí sản xuất, lao động tấp nập. Từ Quốc lộ đi vào thôn, đường làng sạch đẹp, ngày càng nhiều những ngôi nhà mới vừa xây xong. Đây cũng là hai xã cửa ngõ của huyện Chợ Đồn đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Đồng Thắng đang trong hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng Nông Quốc Huấn cho biết, đến nay, tổng số chiều dài đường trục thôn, đường liên thôn là gần 20 km, đã được cứng hóa gần 19 km, tất cả các tuyến đường đều được bảo trì hằng năm đảm bảo sáng - xanh - sạch. Hơn 1,5 km đường ngõ, xóm cơ bản đã được đổ bê tông, lắp đèn chiếu sáng nên việc đi lại thuận tiện. Xác định tiêu chí thu nhập là quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xã đã dồn lực hỗ trợ các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, khuyến khích phát triển thương mại nông thôn, phấn đấu hết năm 2024, thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người.

Từ thị trấn Bằng Lũng xuôi theo Quốc lộ 3C, xã Bằng Lãng đang đổi thay từng ngày. Theo lãnh đạo xã, năm 2023, xã đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời kết nối với các hợp tác xã xây dựng mô hình có bao tiêu sản phẩm, vận động, khuyến khích người dân duy trì, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, nếu cuối năm 2022, xã có 42 hộ nghèo thì đến cuối năm 2023, xã chỉ còn 23 hộ nghèo, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chợ Đồn, xã Tân Lập chỉ có duy nhất tuyến đường độc đạo đến trung tâm. Giao thông là điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tân Lập suốt nhiều năm qua. Song trở lại Tân Lập lần này, nhiều thứ đã đổi thay bất ngờ, bất ngờ bởi đường làng, ngõ xóm đã mở mang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng khang trang ngày càng nhiều. Dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng Tân Lập phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024.

Nằm giáp Tân Lập, Bằng Phúc cũng đổi thay rõ rệt, giao thương buôn bán tấp nập, đời sống người dân ngày một khấm khá. Xã có 9 thôn với 623 hộ, 2.675 nhân khẩu. Những năm gần đây, Bằng Phúc được đầu tư từ chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn lực khác. Các hợp tác xã trên địa bàn phát triển tạo thêm việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc Hoàng Văn Thái cho biết, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 24,7%, đến cuối năm 2022 giảm còn 15,8%, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 11%. Hai năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhờ người dân phát huy thế mạnh của địa phương như trồng, chế biến chè shan tuyết, sản xuất rượu men lá thủ công, chăn nuôi…

Những năm qua, huyện Chợ Đồn đã lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia để các xã hoàn thành những tiêu chí chưa đạt. Ngoài vốn ngân sách trung ương và của tỉnh, huyện còn cân đối thêm ngân sách của địa phương để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn, thiết chế văn hóa cơ sở, đường giao thông nông thôn. Tập trung hỗ trợ các chương trình phát triển sản xuất, dự án liên kết như liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ lợn bản địa, các dự án chăn nuôi gà, vịt, trâu, bò gắn với tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất nấm sò, trồng cây dược liệu, trồng và tiêu thụ khoai tây, hồng không hạt, dâu tây, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường như rượu men lá, chè shan tuyết, trà hoa vàng, gạo bao thai, phở khô, măng khô… Đây là những sản phẩm đặc trưng do các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn sản xuất. Trong đó, sản phẩm rượu men lá của Hợp tác xã Thanh Tâm (xã Bằng Phúc) đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, huyện Chợ Đồn tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, vùng an toàn khu (ATK) đã được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia cùng nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều sản vật nổi tiếng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn. Với việc được phê duyệt quy hoạch, ATK Chợ Đồn sẽ có thêm nguồn lực đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo để sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Phấn đấu huyện nông thôn mới năm 2025

Hội thảo tổng kết mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông
minh tại xã Nam Cường (Chợ Đồn)

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Chợ Đồn đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể chi tiết để thực hiện từng tiêu chí chưa đạt. Từ nay đến năm 2025, huyện Chợ Đồn phấn đấu mỗi năm sẽ có 4 xã về đích nông thôn mới, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn của huyện nông thôn mới.

Năm 2023, Chợ Đồn phấn đấu 4 xã Nam Cường, Đồng Lạc, Bằng Lãng, Lương Bằng về đích nông thôn mới, xã Đồng Thắng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm, huyện được phân bổ hơn 60 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 56 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 5 tỷ đồng. Nguồn lực này đã được huyện xây dựng trường học, đường điện, nhà văn hóa, thủy lợi…

Bên cạnh đó, huyện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình MTQG như chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Riêng năm 2023, huyện Chợ Đồn được giao hơn 10,9 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giảm nghèo trên địa bàn. Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai 18 dự án cộng đồng trên địa bàn 17 xã, thị trấn. Ngoài hỗ trợ thực hiện các mô hình kinh tế, chính sách về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được huyện tích cực triển khai.

Là huyện miền núi, đồng bào DTTS ở Chợ Đồn chiếm trên 80%, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang từng bước hỗ trợ người dân Chợ Đồn thoát nghèo vươn lên. Đơn cử như gia đình ông Hoàng Kim Định thuộc diện nghèo ở thôn Nà Liền, xã Nam Cường, nhà ở nhiều năm qua đã xuống cấp, ông Định đăng ký vay vốn hỗ trợ làm nhà được 40 triệu đồng trong vòng 15 năm. Đến nay, căn nhà cấp 4 rộng hơn 70 m2 đã hoàn thành giúp gia đình an cư, yên tâm làm ăn, nỗ lực thoát nghèo.

Năm 2023, toàn huyện Chợ Đồn có 75 hộ vay với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm nhà ở đáp ứng mong mỏi của bà con, thông qua nguồn vốn góp phần xóa nhà tạm, dột nát, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ toàn diện tạo động lực quan trọng để đồng bào DTTS có động lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội như đầu tư các dự án cấp thiết về cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng đồng bào DTTS cùng tham gia thực hiện, mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới vẫn cần nguồn lực rất lớn. Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung, tính toán sơ bộ cho thấy, huyện cần thêm nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Ngoài ra, ở nhiều thôn bản vùng khó khăn mức thu nhập còn thấp nên huyện sẽ dồn lực hỗ trợ các mô hình sản xuất, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông lâm sản có giá trị kinh tế cao giúp người dân nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững.

Song song với đó, huyện tăng cường tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với kinh tế tập thể từ đó giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp dần chênh lệch về mức sống giữa các khu vực trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tiêu chí thu nhập, đạt chuẩn huyện nông thôn mới./.

Thu Trang