Độ tương phản
Người dân xã Tân Tú (Bạch Thông) chung sức xây dựng nông thôn mới
Mô hình tự quản cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố được hiểu là tổ, nhóm hộ gia đình, cá nhân trong cùng một địa bàn dân cư cùng nhau tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến đời sống, lao động, sinh hoạt của mình ở cộng đồng.
Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 mô hình tự quản được thực hiện thông qua các hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm của các thành viên tham gia mô hình và chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của thôn, xã. Nhiều mô hình được triển khai khá hiệu quả như: “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”; khu dân cư “3 không”; “Khu dân cư văn hóa an toàn giao thông”; “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới”; “Đoạn suối tự quản”…
Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các mô hình gặp khó khăn về nguồn lực, kinh phí; ý thức của một số hộ dân trong việc tham gia mô hình chưa cao; công tác phối hợp với các đoàn thể và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự đa dạng, phong phú; chưa được quan tâm cấp kinh phí xây dựng được nhiều mô hình, cách làm tốt để nhân rộng; hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; đời sống của một số đồng bào vùng sâu, xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao do thiếu vốn, thiếu đất canh tác, trình độ…
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 74 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; bình quân cả tỉnh đạt 12,79 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã.
Theo Kế hoạch, năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tăng thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vì vậy, việc duy trì và nhân rộng rộng mô hình tự quản sẽ góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các xã, thôn.
Trường Chính trị tỉnh được giao thực hiện Đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” trong thời gian 24 tháng.
Mục tiêu của Đề tài là hệ thống hóa, cập nhật bổ sung lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về mô hình tự quản tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; phân tích, đánh giá thực trạng mô hình tự quản tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; chỉ ra được tồn tại hạn chế và nguyên nhân hạn chế; xây dựng ít nhất 3 mô hình tự quản trong tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đưa ra được bộ khung tiêu chí cho các mô hình; đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Kết quả Đề tài sẽ là cơ sở cho các cấp, ngành có định hướng, giải pháp xây dựng các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của chính quyền”.
Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (21/10/2024)
Hương ước, quy ước giúp bản làng văn minh, tươi đẹp (23/09/2024)
Mỹ Thanh: Gian nan hành trình về đích nông thôn mới (20/09/2024)
Chính sách tín dụng xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới (09/09/2024)
Nông dân Bạch Thông thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực xây dựng nông thôn mới (20/08/2024)