PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn sau 25 năm đổi mới
Những năm đầu mới tái lập tỉnh, huyện Ngân Sơn còn gặp rất nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Ngân Sơn đã từng bước vượt khó vươn lên và đạt được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn cảnh khu vực trung tâm huyện Ngân Sơn

Những năm đầu tái lập tỉnh, nền kinh tế của huyện Ngân Sơn phát triển chậm; năng suất, sản lượng cây trồng còn thấp; chăn nuôi tăng trưởng chậm. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mạng lưới giao thông chủ yếu là đường đất, thường xuyên bị sạt lở, đi lại khó khăn. Cả huyện khi đó chỉ có 4 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm. Tỷ lệ đói nghèo của huyện còn cao, chiếm trên 24%; hơn 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Đời sống văn hóa của Nhân dân còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa…

Từ những khó khăn trên, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ. Trước hết, huyện đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp lên hàng đầu nhằm khai thác các tiềm năng của địa phương, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ đói nghèo. Từ đó, vận động Nhân dân khai hoang phục hóa đất sản xuất, đưa giống cây trồng mới có năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác; kiên cố hóa kênh mương cung ứng nước tưới cho sản xuất. Ngoài ra, còn khuyến khích và tạo điều kiện cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phát triển chăn nuôi đại gia súc phục vụ sức kéo và phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Huyện cũng quan tâm nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, y tế, giáo dục và đào tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương…

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt (xã Hiệp Lực) tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất đã mang lại năng suất, chất lượng cao cho cây trồng

Nhờ những nỗ lực đó, huyện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hạ tầng cơ sở của huyện được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 378 công trình lớn, nhỏ được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% thôn có đường xe máy đến trung tâm thôn.

Từ năm 2016 đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nếu như trước thời điểm tái lập tỉnh, bình quân lương thực đạt khoảng từ 250 - 290 kg/người/năm thì đến năm 2020 đã tăng lên 590 kg/người/năm. Tổng đàn gia súc của huyện phát triển khoảng 16.000 con năm 2000, đến năm 2021 tăng hơn 10 lần với trên 161.000 con gia súc, gia cầm. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được quan tâm, tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2020 đạt 66,4%.

Đến nay, huyện có 23 hợp tác xã (HTX), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung, các HTX hoạt động có hiệu quả và tạo được công ăn việc làm cho người lao động địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị để cạnh tranh trên thị trường.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ của huyện cũng có bước tăng trưởng đáng kể, nếu tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 1997 mới đạt 2,8 tỷ đồng thì đến năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã đạt trên 339 tỷ đồng.

Sản phẩm măng ớt Phong Phin của Cơ sở sản xuất măng ớt Phong Phin ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng
đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99%; tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân hằng năm đạt 90,3%. 

Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, hệ thống y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn. Năm 2020, toàn huyện có 28 bác sĩ; 100% trạm y tế đã có bác sĩ; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 13,6%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 92%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Đến hết năm 2021, huyện đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 17.540 người trên 18 tuổi.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đến nay, có 94,4% người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 100% người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, trẻ em, người nghèo… 

Có thể thấy trong 25 năm qua, mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, song huyện Ngân Sơn đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Đây cũng là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn quyết tâm phấn đấu xây dựng Ngân Sơn thành một huyện phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân./.

Ngọc Tú