PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/02/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đặc sắc nét đẹp truyền thống Hội Lồng Tồng Hà Vị, huyện Bạch Thông
Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày ở tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới hàng năm ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất do dân bản chọn nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày ở tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới hàng năm ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất do dân bản chọn nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Hội Lồng Tồng trước đây thường được tổ chức theo Tổng - một đơn vị hành chính cụm xã trong thời kỳ chế độ phong kiến và định ngày không thay đổi. Yếu tố quan trọng nhất trong lễ hội Lồng tồng là in đậm văn hóa tín ngưỡng. Người xưa tổ chức hội Lồng Tồng không đơn thuần là việc vui xuân. Mà quan trọng hơn là họ làm lễ tạ ơn thần thánh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Do vậy trong ngày hội người dân làm mâm thờ thổ công và thần linh và cầu mùa.

Những trò chơi dân gian cũng mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng. Chẳng hạn việc tung còn không đơn thuần là trò chơi mà in đậm ý nghĩa phồn thực. Chiếc vòng của cột còn gọi là Phoọng, tượng trưng sinh khí của người con gái chỉ chờ ngày xuân có chiếc còn lọt qua sẽ sinh sôi nảy nở. Đó cũng là biểu hiện khởi đầu một năm mới trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi.

Tung còn trong Hội Lồng Tồng Hà Vị, huyện Bạch Thông

Hiện nay, Hội Lồng Tồng Hà Vị là một trong những lễ hội còn giữ được nhiều nét truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hội được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Hội có mâm thờ truyền thống do dòng họ Ma Hoàng ở đây đảm nhiệm chủ tế đã qua nhiều đời. Mọi người đến với lễ hội thường đến bàn thờ thắp hương cầu may cho năm mới. Ngoài mâm thờ truyền thống của dòng họ Ma Hoàng còn có những mâm cỗ khác do các thôn trong xã dâng lên thần linh. Các lễ vật thường là các loại bánh được làm từ lúa, ngô, thịt lợn, gà, xôi ngũ sắc… mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như: Bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả làm bằng giấy với nhiều màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho cây vàng, cây bạc. Sở dĩ có những mâm cỗ này là do tương truyền có một vị quan công của triều đình xưa đi đánh giặc bị thương nghỉ lại tại thôn Nà Phả, xã Hà Vị. Khi vị quan công qua đời, người Hà Vị lập miếu thờ và coi đây là Thần Hoàng, miếu thờdo dòng họ Ma Hoàng trông coi. Mỗi năm, người Hà Vị tổ chức cúng lễ thần hai lần vào 11 tháng Giêng và 13 tháng Bảy âm lịch.

Ngoài ra, ở Hội Lồng Tồng xã Hà Vị, huyện Bạch Thông vẫn duy trìđược phần múa Nộc Niệc (chim phượng hoàng), điệu múa diễn lại sự tích đẻ đất, đẻ nước, đẻ người để nhắc nhớ con cháu ngày nay ơn sinh dưỡng của cha mẹ và các vị thần. Đây là bài múa in đậm yếu tố tâm linh.

Đến với hội Lồng Tồng Hà Vị, tất cả mọi người đều có thể đến các mâm lễ thắp hương cầu nguyện an lành cho một năm mới. Đây cũng là điểm gặp gỡ tâm linh của cộng đồng dân cư vẫn còn giữ được đến ngày hôm nay./.

Thu Cúc