PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đào tạo nguồn lao động phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XII, giai đoạn 2021 - 2025, nông nghiệp vẫn được xác định là một trong những ngành trọng điểm được Bắc Kạn tiếp tục đầu tư phát triển. Vì vậy, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn này là hết sức cần thiết.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu lao động phục vụ nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 10.400 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Các nội dung đào tạo chủ yếu tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp, chế biến gỗ… Sau khi tham gia các lớp học nghề, người lao động đã chủ động hơn trong sản xuất, áp dụng các kiến thức đã học để mở rộng sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn thực hành ủ phân vi sinh cho hội viên nông dân xã Yến Dương,
huyện Ba Bể

Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đều xảy ra tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Nguyên nhân cơ bản là do việc thu nhập từ nông nghiệp thấp nên lao động chính của gia đình thoát ly đi làm các công việc khác, nhiều hộ dân chỉ sử dụng một phần đất nông nghiệp sản xuất để đảm bảo về an ninh lương thực nên đến khi địa phương mở rộng sản xuất thì thiếu nguồn lao động. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện số người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) của Bắc Kạn là 249.192 người, chiếm khoảng 80% dân số toàn tỉnh. Qua rà soát, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2020 mới chỉ chiếm 45%. Như vậy, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn khá cao.

Vì vậy, Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu đào tạo được 9.000 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp, mỗi năm đào tạo khoảng 1.800 người. Sau đào tạo, ít nhất 90% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp.

Về đối tượng, sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp; lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành; xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ưu tiên tổ chức đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, gia đình người có công, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ, ở các vùng khó khăn, nhằm an sinh xã hội; lao động hiện đang làm việc ở các thành phố có nhu cầu học nghề để trở về quê hương huyện, xã để sản xuất nông nghiệp. Hình thức đào tạo được lựa chọn là học đi đôi với hành “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn trực tiếp, đào tạo tại nơi sản xuất, tại các thôn, bản, xã, lấy thực hành là chính.

Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung vào đào tạo ngắn ngày (đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên). Về lâu dài, tỉnh cũng đã có kế hoạch đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thú y… nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ tiến tiến.

Hiện tại, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện, Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; các trường nghề, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã được giao nghiên cứu tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Theo đó, phương thức đào tạo đa dạng hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của từng xã, huyện như: Đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các làng, bản, thôn, xóm… Cùng với đó, khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề mở lớp đào tạo truyền nghề nhất là những nghề đặc thù theo Chương trình OCOP.

Tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở hạ tầng của các đơn vị đào tạo. Tập trung xây dựng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề nông nghiệp có kiến thức, khả năng thực hành trên đồng ruộng cao và kỹ năng sư phạm dạy nghề cho nông dân. Lực lượng được chú trọng trước hết là đội ngũ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh; cán bộ kỹ thuật của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giáo viên của các trường dạy nghề của tỉnh; cán bộ của Hội Nông dân; nghệ nhân ở các làng nghề. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất thiết yếu cho các cơ sở dạy nghề; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của người học. Phấn đấu bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả, khen thưởng kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn…/.

Thu Cúc