Độ tương phản
Từ xa xưa, rượu đã là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người dân các vùng miền của đất nước. Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao Bắc Kạn nói riêng, tục chúc rượu đầu xuân đã trở thành một truyền thống, một nét văn hoá mang đậm bản sắc, phong vị miền núi.Nét đẹp ấy luôn cần được gìn giữ, bảo tồn, tránh lạm dụng biến tướng để mãi là phong tục đẹp trong đời sống của đồng bào vùng cao.
Tục uống rượu từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, mang đậm phong vị của đồng bào các dân tộc miền núi nói chung, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Sống ở nơi thiên nhiên hoang sơ, có nhiều ngày thời tiết rét buốt, sương giá, bà con đã lấy chén rượu để xua tan bớt cái giá lạnh của thiên nhiên. Rượu từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dịp Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của đồng bào các dân tộc. Để chuẩn bị cho ngày Tết, khắp các bản làng nhà nào cũng cố gắng trồng thêm lúa, thêm ngô, nuôi lấy con lợn béo… để làm mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, trời đất, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngô lúa đầy bồ; mâm cỗ còn được làm để mời họ hàng, xóm giềng tới chung vui… Đặc biệt, rượu chính là thức uống không thể thiếu được trong dịp lễ trọng đại này.
Rượu vùng cao được đồng bào chế biến cầu kỳ theo những cách thức riêng biệt. Từng loại sản vật của núi rừng như ngô, sắn… được chọn lựa, kết hợp với các loại men làm từ lá cây rừng, theo một quy trình cẩn thận, tỉ mỉ, sẽ cho ra thứ rượu thơm ngọt, đặc trưng hương vị vùng cao. Đến với miền núi Bắc Kạn, dù nhà giàu hay nghèo đều có dự trữ vài ba vò rượu tiếp khách dịp tết đến xuân về.
Văn hóa chúc rượu miền núi đặc trưng ở chỗ “chén rượu là đầu câu chuyện”, là khởi nguồn của sự giao lưu, chia sẻ, tâm sự giữa chủ và khách. Ngày Tết bên mỗi bếp lửa nhà sàn, cùng cạn chén rượu xuân, kể cho nhau nghe những câu chuyện về lao động sản xuất, đời sống gia đình… tình cảm gắn kết giữa cộng đồng làng bản thêm bền chặt, keo sơn.
Nét đẹp văn hóa từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc vùng cao thật đáng trân quý. Bởi vậy, việc gìn giữ, bảo tồn phong tục đẹp của đồng bào dân tộc qua các thế hệ là điều hết sức cần thiết trong xã hội hiện đại.
Tục chúc rượu đầu xuân của đồng bào miền núi là một tập quán đẹp trong giao tiếp xã hội, thể hiện tình cảm, lòng mến khách của gia chủ và thái độ đáp từ trân trọng của khách đến thăm nhà gia chủ. Bởi vậy, mỗi người dân cần nhận thức đúng về văn hóa uống và mời rượu. Điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng. Người biết uống rượu luôn biết tiết chế nên không bao giờ uống quá độ dẫn đến say khướt.
Trong đời sống của người dân các địa phương hiện nay, có một số ít người hiểu sai về văn hóa uống rượu dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu bia làm biến tướng nét đẹp văn hóa, gây nên những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc từ việc “quá chén”. Tửu lượng không phải mức thang đo đạo đức hay giá trị con người nhưng một số người, đặc biệt là giới trẻ đang gắng sức thể hiện mình thông qua việc ép nhau uống tới cùng. Điều đó không chỉ làm xấu đi nét đẹp văn hóa trong tục chúc rượu mà còn gây nên những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và làm suy giảm giá trị của con người.
Bởi vậy, để giữ gìn nét đẹp văn hóa trong phong túc chúc rượu đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là dịp tết đang đến gần, hơn ai hết, mỗi người dân cần tự ý thức giữ chừng mực trong sử dụng rượu. Đặc biệt, cần tuân thủ pháp luật “đã uống rượu bia không lái xe” để bảo toàn tính mạng, tài sản, góp phần nhân lên niềm vui trọn vẹn đón Tết bên gia đình, người thân./.
Độc đáo bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm (05/04/2023)
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)