Độ tương phản
Mỗi năm cứ đến khoảng tháng 11 âm lịch, khi những cơn gió heo may thổi về mang theo cái lạnh tê tái của mùa đông, những cánh đồng đã qua mùa thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ, trên những mỏm đồi, những thửa lúa nếp nương cũng đã được bà con dân tộc Sán Chỉ thu hái về nhà bó thành từng bó treo trên xà nhà, gác bếp. Để rồi mỗi dịp chợ phiên, các cô các chị lại đồ xôi đem ra chợ bán, hòa quyện vào những mặt hàng rực rỡ sắc màu của miền xuôi, miền ngược, sắc tím và mùi hương của những gùi xôi nếp của bà con dân tộc Sán Chỉ vẫn để lại một dấu ấn riêng mà ai đã một lần được thưởng thức đều không thể nào quên vị ngọt, bùi của những bát xôi nơi góc chợ.
Xôi được các chị đồ từ khi gà vừa gáy, vẫn còn nóng hổi được lót lá chuối và gùi ra chợ bán, cả gùi xôi tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng của lúa nếp nương, dịu ngọt và có màu sắc rất hấp dẫn.
Lúa nếp được bà con dân tộc Sán Chỉ trồng trên đồi. Để có được những bông lúa trĩu nặng, vàng ươm, bà con đã phải lên đồi phát cỏ, tra hạt vào khoảng tháng 4 âm lịch và dày công chăm bón, vun xới đến tháng 10 âm lịch mới được thu hoạch. Lúa nếp nương được thu hoạch theo lối truyền thống là hái từng bông nên lựa chọn được những hạt thóc chắc, mẩy tròn trịa, ít hạt lép. Sau khi xát thóc, loại bỏ trấu sạch sẽ, gạo sẽ được ngâm nước từ 6 đến 8 giờ để gạo nở, đồng thời các chị, các mẹ sẽ đi hái lá cẩm, còn gọi là cây Khảu cắm về đun xôi, cho ra màu (cây Khảu Cắm sẽ cho nước màu tím). Khi vớt gạo lên, lại đổ tiếp xuống nước màu trộn đều và đem vào chõ hấp. Thông thường để tạo ra nhiều màu khác nhau, các chị sẽ chia đều gạo và ngâm với các màu đã pha chế sẵn, màu đỏ được làm từ cây Khảu Đeng (những loại cây này chỉ có ở vùng núi), hay màu vàng được nhuộm từ nghệ đã giã và chắt lấy nước. Sau khi đồ chín, xôi sẽ được đổ ra mâm và trộn đều các màu lại với nhau, tạo thành một màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, để đạt được màu nhạt hay đậm không chỉ tùy thuộc vào việc trộn lá cây nhiều hay ít mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Ngoài hương vị thơm ngon, dẻo mà không ngậy, hấp dẫn bởi màu sắc, chất của loại lá cây rừng, còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Nếu có dịp đến chợ phiên Pác Nặm, bạn đừng quên ghé vào các gùi xôi của các cô, các chị người Sán Chỉ, để thưởng thức món xôi dẻo, có mùi thơm đặc trưng và chẳng cần phải thêm bất cứ món gia vị nào cũng đều có vị ngọt bùi đến lạ./.
Độc đáo bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm (05/04/2023)
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)