Độ tương phản
Địa danh Nà Pậu - xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn được biết đến là một trong sáu di tích lịch sử thuộc vùng ATK Chợ Đồn (cùng với di tích lịch sử Bản Ca, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân). Đây là nơi Bác Hồ sống và làm việc đầu năm 1951. Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay, đồng bào thôn Nà Pậu, xã Lương Bằng luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no. Cùng với đó, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích.
Nơi Bác Hồ sống và làm việc đầu năm 1951
Đầu năm 1947, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã trở lại Việt Bắc, cái nôi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước những cuộc càn quét, khủng bố của kẻ thù, Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã di chuyển đến ở và làm việc nhiều nơi trong an toàn khu (ATK). Đầu năm 1951, Người đã đến làm việc tại Nà Pậu, thuộc bản Thít, xã Lương Bằng (Chợ Đồn). Trên quả đồi này, Trung ương Đảng đã cho làm hầm, dựng lán để Người làm việc.
Nà Pậu - nơi Người ở và làm việc có địa thế rất thuận tiện cho hoạt động cũng như khi di chuyển để tránh tai mắt kẻ thù. Phía trước đồi Nà Pậu là một đám ruộng rộng, có khả năng quan sát phía xa, bên cạnh là một con suối trong vắt cung cấp nguồn nước, phía sau liền với cánh rừng đại ngàn mà khi có động, Người và các đồng chí trong cơ quan có thể rút thẳng sang xã Phong Huân, Nghĩa Tá hoặc sang thẳng Chiêm Hóa (Tuyên Quang) rất an toàn.
Từ Km 18, đường 254 Chợ Đồn - Thái Nguyên, men theo con đường mòn của bản Thít khoảng 150m là đến đồi Nà Pậu. Theo lời kể của ông Hoàng Quý Long, nguyên là thanh niên xung phong thời kỳ 1950 - 1951: “Nhà của Người có hai gian, một gian để làm việc, một gian để nghỉ ngơi và một nhà khoảng 6 gian để cho anh em cơ quan (đơn vị 41) ở”. Năm 1965, một đơn vị bộ đội đã đến đóng quân tại đây, anh em đã san rộng thêm nền nhà làm sân bóng chuyền nên địa hình nền nhà hiện nay rộng hơn so với thời kỳ Người ở.
Cách nền nhà khoảng 70m đi về hướng Tây là căn hầm trú ẩn của Hồ Chủ tịch. Căn hầm có hình chữ T, chiều cao cửa hầm là 1,5m, đi sâu vào 4m thì chia làm 2 ngách cân đối, mỗi ngách dài 1,5m, rộng 0,95m, cao khoảng 1,60 - 1,70m. Tuy thời gian đã lâu, mưa xói đất lấp mất một chút cửa hầm nhưng căn hầm vẫn như còn được giữ nguyên vẹn.
Từ hầm của Hồ Chủ tịch đi ra phía trước khoảng 5 - 6m có một cây cổ thụ khá lớn, có tuổi khoảng 90 - 100 năm, dân địa phương gọi là cây Phay. Trước cửa hầm là một khu đất bằng phẳng, nơi trước đây Người thường tăng gia trồng rau… Trước đồi Nà Pậu là suối Nà Pậu, bên cạnh có 2 cây đại thụ đan chéo nhau, dưới tán cây có tảng đá to, nơi Người thường câu cá, tắm giặt.
Tại Nà Pậu, Người đã viết nhiều bức thư và điện mừng gửi tới các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước. Ngày 1/1/1951, Người gửi thư chúc Tết toàn thể đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài. Trong thư, Người chỉ rõ: “năm 1951 là một năm tiến bộ vượt bậc của chúng ta, một năm tích cực chuẩn bị đầy đủ để chuyển mạnh sang tổng phản công”. Cùng ngày hôm đó, Người ký quyết định thả 119 tù binh Âu Phi, đồng thời ra chỉ thị cấp phát quần áo, bảo vệ an toàn cho nhóm tù binh này khi về nước.
Ngày 18/1/1951, Người gửi thư cho Đại hội trù bị toàn quốc lần thứ II của Đảng nêu rõ: “Nhiệm vụ chính trị của Đại hội ta là đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”.
Ngày 20/1/1951, Người ký quyết định khen thưởng các đơn vị bộ đội đã chiến thắng trong chiến dịch Trung Du và Đông Bắc, đồng thời gửi 4 lá cờ danh dự để trao tặng cho các đơn vị bộ đội đạt nhiều thành tích và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Ngày 24/1/1951, Người gửi thư cho Nha bình dân học vụ và thông báo Nha được thưởng Huân chương kháng chiến. Đặc biệt, Người còn nhắc nhở: “Phải làm thế nào trong thời gian gần đây, tất cả các đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều phải biết đọc chữ, biết viết”. Cuối tháng 1/1951, thơ chúc tết Tân Mão gửi đồng bào cả nước của Hồ Chủ tịch được đăng ở báo Cứu Quốc số 1748, toàn văn như sau:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”
Cũng trong thời gian này, Người đã ký nhiều quyết định quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi. Người còn đi thăm một số cơ quan của Trung ương Đảng, quân đội đóng trên địa bàn Chợ Đồn, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ, đồng bào hăng hái thi đua giết giặc và lao động sản xuất phục vụ kháng chiến. Chiều ngày 27/2/1951, Hồ Chủ tịch rời Nà Pậu - Lương Bằng lên đường đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Ngày 28/6/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 1460/QĐ-VH công nhận và xếp hạng Di tích Đồi Nà Pậu xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chú trọng phát triển kinh tế, xã hội - bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích
Xã Lương Bằng có diện tích tự nhiên là 57,5km2 với hơn 500 hộ dân sinh sống ở 14 thôn bản, gồm các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ.
Với điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, Lương Bằng là vùng đất có thế mạnh trong việc phát triển lâm nghiệp. Quyết tâm đồng bộ của Đảng bộ, Chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc nơi mảnh đất cách mạng này là phấn đấu khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo ra nhiều của cải vật chất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương thời gian qua đã mang lại kết quả đáng mừng. Từ chỗ thiếu lương thực, nay xã đã có đủ lương thực và còn dôi dư, số học sinh đến tuổi đi học được đến lớp đạt 100%, y tế cơ sở ngày càng được củng cố. Các cơ sở sản xuất được hình thành ngày càng nhiều, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Những ngôi nhà ngói, nhà xây khang trang mọc lên bên những rừng cọ, đồi cây; những con đường nhựa trải dài men theo các triền núi mang đến cho nơi đây một vẻ đẹp của sự an bình, sự vững chãi giữa núi rừng.
Năm 2009, di tích Nà Pậu đã được trùng tu tôn tạo lại. Đến đây du khách sẽ được đến thăm các điểm di tích như bia tưởng niệm, lán Bác Hồ ở và làm việc, hầm trú ẩn hình chữ T, nơi ghi dấu Bác thường tắm giặt và câu cá. Điều khá đặc biệt ở điểm di tích này đó chính là 3 cây cổ thụ chụm lại, vắt ngang qua con suối trong mát, tạo thành thế chân kiềng vững chắc ... Không chỉ có giá trị về lịch sử mà nơi này còn là một điểm du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc ở đây rất đẹp, trong lành và nên thơ.
Để xứng đáng là một địa chỉ du lịch lịch sử, văn hóa, chính quyền và nhân dân trong xã đang từng bước gắn việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử ATK, giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch - dịch vụ... để từ đó đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Đồn Phủ Thông - Trận đánh công kiên của quân dân ta (31/10/2017)
Về Hoàng Phài - Nơi dừng chân của Bác (31/10/2017)
Vang mãi chiến công nơi địa danh lịch sử Đèo Giàng (31/10/2017)
Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Địa danh cách mạng nơi Bác Hồ từng sống và làm việc (27/10/2017)
Về miền quê cách mạng Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (24/10/2017)