PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Độc đáo hát Sli của dân tộc Nùng
Ngày 09/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL đưa “Hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trình diễn hát Sli tại Hội chợ văn hóa truyền thống xã Xuân Dương, huyện Na Rì

“Sli” trong tiếng Nùng nghĩa là thơ, là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn. Hát Sli là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ giữa một bên nam và một bên nữ, thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới... Thông thường, bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng). Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo, khi hát người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên, tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Không gian diễn xướng của Sli không bị giới hạn mà rất đa dạng. Sli có thể diễn ra ở ngoài trời trong các dịp như các ngày chợ phiên, các lễ hội truyền thống. Khi đi chợ hoặc tham gia lễ hội, họ gặp nhau, kết thành nhóm hát và chọn địa điểm để hát. Đó có thể là quán nhỏ ven đường, chợ phiên, đầu hoặc cuối chợ, dưới gốc cây to, ven rừng, ven suối...

Thông thường, Sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ); dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát). Song song với các lối hát trên, hát Sli có hai hình thức hát gồm thể tự do và thể có bài bản tổ chức thành cuộc hát. Tuy nhiên, chúng chỉ mang tính chất phân tách tương đối và có quan hệ biện chứng bổ sung cho nhau từng chủ đề tình huống, tình cảnh của cuộc hát. Một cuộc hát Sli thường diễn ra theo ba chặng, chặng thứ nhất là những bài hát chào mời thăm hỏi. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên để bắt đầu một cuộc hát Sli. Chặng thứ hai là những bài hát trao đổi tâm tư tình cảm. Đây chính là giai đoạn lôi cuốn nhất của hát Sli, ở giai đoạn này, hai bên sẽ đối đáp, lời đối đáp của họ xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Chặng thứ ba là những bài tiễn biệt dặn dò, là lúc họ trao nhau những lời chúc, lời hẹn ước với nhau, mong một ngày tái ngộ để lại được cùng nhau say đắm trong những câu ca Sli.

Nhìn chung, về kết cấu, Sli là những bài thơ, bài văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Cơ bản các bài Sli chỉ khoảng 4 đến 8 câu, cá biệt có những bài Sli chỉ có từ 5 đến 7 chữ, có những bài dài đến hàng trăm câu.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 câu lạc bộ hát Sli với gần 100 nghệ nhân, những người đam mê, yêu thích hát Sli, trong đó có một số nghệ nhân ưu tú, được phân bố ở 04 huyện gồm: Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn và Bạch Thông. Không chỉ là một loại hình dân ca độc đáo của người Nùng, hát Sli còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua các cuộc giao lưu gặp gỡ, Sli đã tạo ra không gian, môi trường văn hóa để những người đam mê, yêu thích hát Sli hội tụ lại với nhau, bày tỏ tâm tình qua các làn điệu đằm thắm thiết tha, để rồi cuối cuộc Sli, họ lại chia tay nhau trong lời hẹn sẽ gặp lại và trao cho nhau những câu hát Sli chân tình, mộc mạc. Chính những điều đó đã làm cho tình cảm cộng đồng làng bản trở nên gắn bó và sâu sắc hơn, đặc biệt, nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng, nhiều người đã thành những đôi bạn thân thiết.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhất là kinh tế du lịch với loại hình du lịch văn hóa ngày càng được quan tâm, chú trọng thì hát Sli của người Nùng tỉnh Bắc Kạn là một nguồn tài nguyên, một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt tạo nên sự hấp dẫn riêng có của nền văn hóa Bắc Kạn.

Tuy nhiên, hiện nay, môi trường, không gian diễn xướng tự nhiên dần bị mai một. Số lượng người biết, am hiểu, thực hành hát Sli ngày càng hạn chế, chủ yếu trong lứa tuổi từ 45 trở lên, thế hệ trẻ biết hát Sli chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Công tác truyền dạy hát Sli còn gặp nhiều khó khăn. Hình thức truyền dạy chủ yếu là truyền khẩu, hát không có nhạc đệm trong khi chưa được sưu tầm, ghi chép, ký âm bảo lưu trao truyền một cách có khoa học, hệ thống, do vậy, việc tiếp cận giai điệu, tiết tấu, lời ca khá phức tạp đòi hỏi phải có sự am hiểu, khả năng cảm thụ âm nhạc, cảm xúc nhất định nên việc phổ biến một cách rộng rãi trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giới trẻ.

Việc hát Sli của người Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định tính hấp dẫn, độc đáo của nghệ thuật trình diễn dân gian này; ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua. Đồng thời đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong việc bảo lưu, trao truyền, hình thành, phát triển không gian văn hóa Sli trở thành một tài nguyên, tiềm năng đóng vai trò nòng cốt tạo nên sự thu hút, hấp dẫn để Bắc Kạn phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới./.

Thu Trang