PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Linh thiêng Lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền ở huyện Bạch Thông
Từ bao đời nay, trong đời sống tâm linh của đồng bào Dao Tiền ở huyện Bạch Thông, Lễ cấp sắc là một bước không thể thiếu để các chàng trai trưởng thành, mạnh mẽ, trở thành trụ cột trong gia đình. Trải qua bao quá trình lịch sử, đồng bào Dao Tiền vẫn gìn giữ và duy trì Lễ cấp sắc độc đáo, linh thiêng này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đồng bào Dao từ xưa truyền lại rằng, rất lâu về trước, người Dao sống ở các bản làng, ma quỷ quấy nhiễu, hại dân lành. Ngọc Hoàng liền sai các thiên binh, thiên tướng xuống trần gian dạy phép thuật cho người Dao để họ tự mình trừ yêu, diệt quỷ. Để đề phòng lũ yêu ma quay trở lại, đồng bào Dao đã tổ chức nghi lễ truyền lại phép thuật cho người đàn ông để họ có nhiệm vụ bảo vệ gia đình. Vì vậy, nghi lễ được truyền từ đời này qua đời khác.

Nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền ở thôn Nà Hin, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông

Lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền huyện Bạch Thông thường diễn ra liên tục trong 1 ngày, 2 đêm và bắt đầu từ phần lễ ở đêm đầu tiên. Để chuẩn bị cho phần lễ, sớm tinh mơ, cả nhà cùng nhau xếp gọn bàn ghế, giường tủ, nhiều người thân trong dòng họ đã bắt đầu đến góp sức.

Khi mặt trời bắt đầu khuất núi, những người thầy cúng đến, ai cũng đeo theo một chiếc túi nhỏ, riêng thầy cúng cao tay nhất thì tay nải to hơn cả. Vừa hơ tay bên bếp củi bập bùng, các thầy cúng vừa trao đổi to nhỏ về những Lễ cấp sắc đã qua, một vài người khác gọi cậu bé đêm nay sẽ được cấp sắc đến hỏi han.

Khi bóng tối đã phủ kín làng bản, các thầy cúng bắt đầu phần việc. Căn nhà người được làm Lễ cấp sắc bỗng trở nên rộn ràng hơn cả, người đến ngày một đông, tiếng nói rì rào, hỏi han ở khắp mọi nơi. Sau màn mở đầu chiêu binh mã và dâng sính lễ, bộ tranh thần tam thanh được treo lên chính giữa nhà, thầy cúng tuyên bố nay được năm lành, tháng đẹp, gia chủ được cấp sắc, sau này sẽ có tên trong cõi âm, có thể điều binh, khiến mã.

Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, cậu bé trong trang phục truyền thống được thầy cúng dẫn ra, lúc này theo sự hướng dẫn của các thầy, cậu bé bắt đầu hoa chân, múa tay, nhảy múa điệu cổ truyền của dân tộc Dao để ra mắt thần linh. Trong suốt quá trình ấy, cậu bé được cấp sắc cần phải thực hiện rất nghiêm túc. Cùng lúc đó, tiếng thầy cúng vang lên lúc trầm, lúc bổng, các thầy và người đang được cấp sắc nhảy múa say sưa, quên cả thời gian. Xung quanh, người già im lặng, nhớ về năm tháng xưa cũ, các cậu bé trai vừa trầm trồ, ngưỡng mộ, vừa tò mò như đang lưu lại để sau này không bỡ ngỡ.

4 giờ sáng, thầy cúng dừng lại nghỉ ngơi, chính giữa nhà, một thầy khác lại bước lên nhảy múa, tiếp tục cùng thần linh vui chơi đến khi trời sáng hẳn… Lúc ấy, phần cấp sắc hay còn gọi là lên đèn mới kết thúc.

Phải đến 12 giờ trưa, tiếng lợn kêu eng éc mới bắt đầu vang lên, lúc này, hàng xóm đến hộ rất đông, người thịt lợn, người kê bàn ghế, người chuẩn bị thức ăn… Đến 9 giờ tối, Lễ cấp sắc chính thức bước sang phần hội, hay còn gọi là đêm hát ví, cảm tạ thần linh đã đến tham dự, chứng kiến.

Có dịp trải nghiệm Lễ cấp sắc cùng đồng bào Dao Tiền, cũng không thể cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của nét văn hóa đặc sắc này. Phải đến khi hòa mình vào những câu truyện, những lời giải thích từ nhiều cuốn sách cổ, người xem phần nào mới vỡ lẽ ra biết bao điều thú vị trong văn hóa tâm linh của đồng bào Dao.

Sau phần cấp sắc, gia đình và hàng xóm mới được thịt lợn liên hoan, chung vui cùng ngày hội sắp đến. Lúc này, gia đình bận rộn hơn cả, họ cố gắng tiếp khách đến chơi sao cho chu đáo nhất.

Các cô gái thực hiện một trong những nghi lễ cấp sắc

Đêm “Hát ví” là lời cảm tạ của gia đình tạ ơn thần linh, lúc này, ngoài các thầy cúng còn có người già am hiểu văn hóa, đời sống trong làng, 3 chàng trai trẻ, 3 cô gái xinh đẹp, chính trực hỗ trợ. Họ sẽ cùng trao đổi, trò chuyện, đọc sách, hát Páo Dung chào đón, vui chơi với các vị thần linh.

Trải qua Lễ cấp sắc, mỗi người con của dân tộc Dao lại thêm hiểu biết và trân quý những giá trị văn hóa dân tộc mà cha ông đã mất bao tâm huyết gửi gắm. Trong Lễ cấp sắc, lòng biết ơn thần linh, tổ tiên được gợi nhớ rất nhiều lần. Trong Lễ cấp sắc, trang phục truyền thống là điều không thể thiếu và người trẻ phải biết hát Páo Dung và hơn hết, Lễ cấp sắc có mặt đông đủ cả bản, người người chung tay góp sức giúp gia chủ, xây đắp thêm tình đoàn kết và gắn bó xóm làng.

Khi mặt trời đã lên, đêm hát ví kết thúc, các thầy cúng sẽ thu binh mã, gấp lại bộ quần áo thêu cầu kỳ và nghỉ ngơi sau gần 2 ngày căng thẳng. Lúc này, gia chủ sẽ xẻ thịt lợn và chuẩn bị bữa cơm mừng công việc hoàn thành.

Theo Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Nông Văn Bình, từ bao đời nay, đồng bào Dao Tiền xã Quang Thuận (Bạch Thông) luôn lưu giữ nhiều phong tục truyền thống, trong đó có Lễ cấp sắc. Dù cầu kỳ, phức tạp nhưng nhiều gia đình vẫn làm lễ khi trong nhà có con trai đến tuổi trưởng thành. Điều đó đã góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo dựng niềm tin cho bà con, để sau mỗi buổi lễ, người được cấp sắc cố gắng trở thành công dân tốt. Tự hào hơn, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở huyện Bạch Thông vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vì thế càng khuyến khích và tạo điều kiện để những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được duy trì và phát triển./.

Thu Trang (tổng hợp)