PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/06/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sâu lắng làn điệu hát ru của người Tày ở Bắc Kạn
Hát ru là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng với những lời ca mộc mạc, giản dị, thiết tha, chân tình, bắt nguồn từ cuộc sống lao động cần cù, gian lao của người Tày. Qua biết bao thế hệ, những lời ru của những người bà, người mẹ đã góp phần bồi dưỡng nên nhân cách, tâm hồn cao đẹp, yêu quê hương, yêu lao động của tộc người Tày trong suốt tiến trình lịch sử.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Lự Thị Huệ (thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm) hát ru con giữa giờ lao động

Trải qua nhiều thế hệ, những câu hát mộc mạc của các bà, các mẹ không ngừng được bồi đắp hoàn thiện đã tạo thành lối hát ru truyền thống gắn liền với tộc người. Hát ru của người Tày ở Bắc Kạn cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Căn cứ nội dung các bài hát, tên gọi “ứ noọng” (ru em) của người Tày ở Bắc Kạn có thể thấy rằng, việc hát ru không phải là công việc riêng, đặc thù của giới nữ mà cả nam giới cũng có thể tham gia, thực hành được. Trên thực tế, ngoài hình ảnh mẹ ru con rất thân thuộc, trong các bản người Tày, chúng ta rất dễ bắt gặp các bà, dì, cô, thím, chị ru em, ngoài ra còn ông ru cháu, bố ru con, anh ru em. Điều đó một phần phụ thuộc vào khả năng diễn xướng của từng người, nhưng đã là người Tày thì chắc hẳn ai cũng thuộc đôi câu hát để ru con, cháu, em mình như:

"Ru… em… em  ngủ/Ngủ ngon ngủ say/Ngủ một chút mẹ về/Mẹ ra đồng lấy cá …"

Nói đến hát ru, ai trong chúng ta đều mường tượng ra bối cảnh diễn xướng của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này. Ở đó thường chỉ có hai người, người hát (mẹ, bà, dì, cô, chị, ông, bố…) và người được dỗ ngủ (bé, trẻ). Dù tuổi còn nhỏ, có thể chưa nhận thức được nhiều nhưng thông qua lời hát mộc mạc, chứa chan tình thương yêu của người thể hiện đã đưa trẻ chìm vào giấc ngủ. Từng ngày như thế, những hình ảnh thân thuộc về cuộc sống thấm dần trong tiềm thức trẻ cho đến khi trưởng thành lại trở thành những ký ức đẹp, hành trang vào đời với tình cảm ơn sâu, nghĩa nặng của bậc sinh thành, sự gắn bó với quê hương, đất nước.

Không chỉ riêng các mẹ, các bà ru trẻ mà đàn ông dân tộc Tày cũng biết hát ru (Ảnh: Ông Mã Văn Ly
thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm ngồi đưa nôi ru cho cháu ngoại say giấc)

Đối với người Tày ở Bắc Kạn, hình ảnh các bà, mẹ vừa bế, bồng con, cháu trên tay vừa ngân nga điệu hát “ứ noọng” là hình ảnh thân thuộc trong mọi gia đình có trẻ nhỏ từ xưa đến nay. Phong tục người Tày, sau khi em bé được đầy tháng tuổi - người mẹ hết thời gian ở cữ thì em bé đó mới được mẹ, bà bế ra ngoài đi chơi, được về thăm ông bà ngoại, đồng thời từ đây, mẹ của trẻ mới bắt đầu tham gia lao động sản xuất như những thành viên khác trong gia đình. Kể từ thời gian này trở đi cho đến khoảng 3 tháng tuổi, mỗi khi đến cữ trẻ ngủ thì người được giao nhiệm vụ trông và thường bồng, bế ru ngủ trên tay hoặc đặt trẻ ru ngủ trong nôi. Khi bé đã tương đối cứng cáp, bắt đầu biết lẫy, biết bò thì mới địu trên lưng để ru ngủ, theo mẹ đi làm, đi xa.

Trên nhà sàn, trong không khí tĩnh lặng, yên bình, âm thanh kẽo kẹt của tiếng nôi đưa, thi thoảng điểm thêm tiếng vịt, tiếng gà kêu tìm bạn là câu hát ru êm dịu, khoan thai của mẹ như đồng hành cùng trẻ chìm trong giấc mơ đẹp về miền cổ tích bằng những hình ảnh:

"… Muỗm tơ được đầy hai vạt áo/Muỗm to được hai ống/Chim sẻ được bảy con/Một con đi giặt tã/Một con đi nhuộm chỉ/Một con đi đun lửa chờ mẹ về/Một con thì tha thẩn rong chơi/Một con lùa trâu bò vào chuồng/Một con ngồi trước sàn học bài/Một con đi đưa nôi em ngủ…"

Các công việc được mô tả trong khúc hát đều là những công việc thường ngày mà dường như người hát muốn nhắn nhủ em bé hãy lớn nhanh để đỡ đần cho mẹ và đó cũng là những công việc trong các gia đình người Tày thường dạy bảo, tập cho con, cháu mình làm từ nhỏ. Cũng từ đó, nhiều trẻ em người Tày đã được lớn lên trên lưng mẹ, lưng bà gắn liền với những lời ru mộc mạc như vậy và được cả gia đình giáo dục tình yêu lao động từ rất sớm. Để khi lớn lên, nam nữ thanh niên người Tày có một nền tảng tri thức khá căn bản về lao động sản xuất, quan hệ xã hội trước khi lập gia đình. Phụ nữ giỏi trồng bông, xe sợi dệt vải, nhuộm chàm, may vá quần áo, hái lượm lâm thổ sản, con trai thông thạo đan lát đồ gia dụng, làm cày bừa, sửa chữa công cụ lao động, làm các loại bẫy phòng ngừa, săn bắt chim thú bảo vệ mùa màng…

Bà Hoàng Thị Mỵ (ngoài cùng bên phải) thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm truyền dạy
thể hát ru của người Tày cho thế hệ trẻ

Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, những lời ru đầu tiên trẻ được nghe là trong lễ đầy tháng tuổi của mình. Những lời ru đó là của người thân hai bên gia đình nội, ngoại mang tính chất, nội dung cầu, chúc cháu bé sự bình an, hay ăn chóng lớn chứ không nhằm mục đích để dỗ ngủ như hát ru thông thường. Như lời ru được ghi lại theo lời hát của bà Hoàng Thị Mỵ trong lễ đầy tháng tuổi bé Hoàng Đình An (con của anh Hoàng Văn Sư - thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm):

"Ru … em … em ngủ …!/Ngủ ngon ngủ say/Đương say em hãy lặng lắng nghe/Ngày lành địu em đi bán khóc/Để từ nay về sau em được bình an/Được ăn, ở an nhàn mãi mãi/Em ngủ võng ông ngoại mang đến/Được cõng trên địu, tã của ông bà nội cho/Hôm nay thật vui vẻ em ơi/Cả nội ngoại được mời về mừng/Mọi người đọc thơ ca chúc mừng/Chúc cho cháu ông bà mau lớn/Mỗi ngày cháu lớn như ngọn đa/Mỗi ngày cháu cao như ngọn trám/Ba tháng cháu biết lẫy dưới chăn/Sáu tháng cháu vịn phên (nhà) đứng dậy/Tròn tuổi cháu đứng dậy biết đi/Chúc cho cháu ở ngoan mãi mãi…"

Tùy vào khả năng của mình, trên cơ sở lối hát ru truyền thống, người hát có thể thêm vào phần lời mới do mình tự sáng tác thêm để lời hát có ý nghĩa, truyền tải được tình cảm của cá nhân gửi gắm trong đó đến với trẻ cũng như họ hàng, thông gia hai bên gia đình.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng, để làm nên đặc sắc, đặc trưng cho lối hát ru của người Tày ở Bắc Kạn là những lời ru thường ngày của các mẹ, bà, bố, ông, anh, chị... dành cho con, cháu, em nhỏ trong gia đình.

Những gì còn hiện hữu trong hát ru của người Tày ở Bắc Kạn cho đến ngày nay là sự kết tinh, thành quả của quá trình chọn lọc, tiếp thu, phát triển những yếu tố lành mạnh, tích cực của cả cộng đồng trong suốt tiến trình lịch sử. Bắt nguồn từ nhu cầu của người mẹ là dỗ con ngủ, ban đầu chỉ là những câu ngân không lời, được tiếp thu, phát triển lên thành những câu hát, bài hát hoàn chỉnh. Mỗi thế hệ trong những giai đoạn lịch sử nhất định không ngừng bổ sung, phát triển, nâng cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này thông qua những âm hưởng, nội dung mới phản ánh bức tranh văn hóa, kinh tế, xã hội của từng thời kỳ. Vì thế, trong hát ru, chúng ta nghe thấy có âm hưởng của phong slư, có âm hưởng của lượn cọi, nếu nghe thầy pụt hát lại có âm hưởng của pụt … điều đó làm tăng thêm tính đa dạng làn điệu, hình thức, nội dung thể hiện, làm giàu thêm vốn di sản văn hóa quý báu này.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người Tày ở Bắc Kạn ngày càng được nâng cao, dẫn đến sự thay đổi tích cực trong môi trường sinh thái nhân văn xã hội của tộc người này. Bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố tiêu cực, nhiều di sản văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, nhất là với những di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có hát ru. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản là hết sức cần thiết, công việc này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa, phát triển tinh hoa văn hóa cổ truyền, vừa nâng cao đời sống tinh thần, ý thức tự tôn dân tộc của mỗi người dân./.

Thu Trang