PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Du lịch Bắc Kạn - 25 năm sau ngày tái lập tỉnh
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương, du lịch Bắc Kạn đã ngày càng khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp ngày càng lớn vào kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có cái nhìn tổng quát hơn về quá trình phát triển của du lịch tỉnh nhà sau 25 năm tái lập tỉnh (01/1/1997 - 01/1/2022), Biên tập viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh có bài phỏng vấn đồng chí Hà Văn Trường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

- Xin đồng chí cho biết, du lịch Bắc Kạn đã có bước chuyển mình như thế nào từ sau khi tái lập tỉnh đến nay?

Đồng chí Hà Văn Trường: Như chúng ta biết, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn đa dạng, độc đáo là tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí cuối tuần...

Nếu như trước năm 1997, chúng ta chỉ có thể nói chung như trên thì sau khi tái lập tỉnh đến nay, các di tích và di sản của tỉnh đều đã được kiểm kê, nhận diện rất rõ ràng, bài bản với 120 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và 291 di sản văn hóa phi vật thể cùng với những thông số cụ thể, sẵn sàng phục vụ cho việc nghiên cứu và khai thác vào phát triển du lịch. Không chỉ vậy, trong giai đoạn này, tỉnh ta còn tạo thêm được khá nhiều thương hiệu mới có giá trị lớn cho chính các tài nguyên như: Di sản Then trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 17 di sản văn hóa phi vật thể khác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; thêm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và di tích ATK Chợ Đồn), thêm nhiều di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng... Những thương hiệu mới này giúp tỉnh Bắc Kạn dễ dàng hơn nhiều trong quảng bá, phục vụ cho phát triển du lịch.

Du lịch Ba Bể ngày càng phát triển với nhiều loại hình đa dạng 

Nếu như trước năm 1997, tỉnh ta chỉ có rất ít nhà nghỉ, nhà trọ, mỗi năm thu hút dưới 15.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu dưới 2,5 tỷ đồng/năm, thì trong giai đoạn 1997 - 2021, Bắc Kạn có trên 4 triệu lượt khách, riêng năm 2019 (khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), tổng lượng khách du lịch của tỉnh đã đạt gần 0,5 triệu lượt, tăng 35 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng doanh thu du lịch của tỉnh bình quân đạt 20%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 225 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 25 khách sạn (17 khách sạn không xếp hạng sao, 5 khách sạn 1 sao, 1 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 3 sao); 200 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 2.173 phòng, buồng và 3.673 giường; gần 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe. Tỉnh cũng đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới được nhận diện rõ nét hơn như: Du lịch Homestay với trải nghiệm hát then đàn tính, có hàng trăm sản phẩm tiêu dùng và lưu niệm mới phục vụ cho du lịch mà nổi bật nhất là các sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP.

Trong giai đoạn trước năm 1997, nếu nhận thức về du lịch đơn thuần như là một loại hình vui chơi giải trí có thêm thu nhập, thì ngày nay, người dân cơ bản đều đã có thay đổi lớn với nhận thức về du lịch như là một ngành kinh tế tổng hợp. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho du lịch, đây chính là sự chuyển mình lớn nhất của du lịch trong giai đoạn này. Minh chứng lớn nhất là trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, lần đầu tiên du lịch được đặt vào một trong 4 trọng tâm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là lần đầu tiên tỉnh có Nghị quyết riêng của Đảng về phát triển du lịch.

Điểm nghẽn của du lịch thời gian qua là vấn đề giao thông cũng đang từng bước được tháo gỡ với sự hình thành tuyến đường cao tốc nối liền khu du lịch trọng điểm của tỉnh là hồ Ba Bể với Thủ đô Hà Nội cùng nhiều tuyến nội bộ khác. Cùng với đó, nhiều huyện và ngành kinh tế khác đã có những đề án riêng để tham gia vào sự phát triền du lịch của tỉnh. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào du lịch Bắc Kạn...

- Đồng chí cho biết những mục tiêu, chủ trương, giải pháp trong tương lai để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Đồng chí Hà Văn Trường: Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ, đưa khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm, khu du lịch được công nhận. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh. Định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Kạn tham gia Hội nghị chuỗi liên kết phát triển du lịch xuyên suốt từ Bắc tới Nam

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, tỉnh cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư cho du lịch phát triển trước một bước để tạo thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các ngành kinh tế xã hội phát triển đồng bộ.

Cùng với đó là quan tâm công tác quy hoạch, trọng tâm là các quy hoạch liên quan đến du lịch, làm đường giao thông, phát triển hạ tầng thiết yếu khác gắn bó cộng sinh với du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Điều chỉnh cơ cấu các nhóm sản phẩm du lịch Bắc Kạn theo hướng phát huy sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, tăng cường sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh, bổ sung sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, tạo mới sản phẩm du lịch vui chơi - giải trí, mạo hiểm. Từ đó hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, phong phú, độc đáo, hấp dẫn trong từng khu, điểm du lịch cũng như trên phạm vi toàn tỉnh.

Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch, trọng tâm là chính sách về bảo tồn di sản văn hóa gắn phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, hợp tác du lịch gắn với thông tin đối ngoại.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cộng đồng Nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh nhằm tập trung triển khai hiệu quả Quyết định số 9094/QĐ-UBND ngày 3/12/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Trang