Độ tương phản
Từ xa xưa, bánh chưng đã trở thành vật phẩm không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình. Với đồng bào Tày Bắc Kạn, món bánh chưng còn thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân vùng cao nơi đây.
Những ngày cuối năm, khắp các bản làng nơi vùng cao Bắc Kạn nhộn nhịp người đi chợ phiên mua cành đào, hoa quả, bánh mứt kẹo và không quên chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng. Nếu như ở miền xuôi, người dân thường gói bánh chưng vuông thì người Tày ở Bắc Kạn lại có món bánh chưng dài đặc trưng. Nguyên liệu để làm bánh được người dân chọn lựa rất kỹ càng từ gạo, thịt, đỗ, lá dong đến lá làm xanh và lạt buộc.
Từ ngày 28, 29 Tết, khắp các bản làng vùng cao Bắc Kạn rộn ràng chuẩn bị gói bánh chưng. Công việc chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh đều do các mẹ, các chị đảm đương. Nguyên liệu chính là gạo nếp phải là khẩu nua lếch hoặc khẩu nua lương được hái chọn từng bông sau khi thu hoạch mang về treo gác bếp. Đây là những giống lúa nếp đặc sản của người dân tộc Tày. Đến những ngày cận Tết, bà con mới mang thóc đi xay xát để gạo được dẻo, thơm.
Bánh chưng dài không thể thiếu trong dịp Tết của người Tày Bắc Kạn
Nhân bánh chưng gồm có thịt lợn và đỗ xanh. Đây cũng là những nguyên liệu được nhiều gia đình tự làm ra. Với người Tày, nhiều nhà thường nuôi lợn chuẩn bị cho dịp Tết. Cứ đến khoảng 27, 28 âm lịch là đồng bào Tày chọn con lợn to nhất, ngon nhất để thịt, nhà nào không nuôi thì đụng với anh em, họ hàng. Thịt để gói bánh chưng được chọn từ miếng thịt ba chỉ ngon nhất của của con lợn Tết đó. Miếng thịt được thái dài chừng 15cm ướp muối tiêu cho ngấm vị. Phần nhân đỗ xanh cũng được chuẩn bị hết sức tỷ mỷ. Đỗ nguyên hạt được nghiền vỡ ra, ngâm nước ấm khoảng 3 tiếng đồng hồ và đãi sạch vỏ, nấu chín rồi rang tơi cho thêm chút gia vị cho đậm đà. Ngoài ra, những nguyên liệu như lá dong, lá xanh hay lạt giang được bày bán đầy đủ tại chợ phiên ngày Tết, tuy nhiên một số đồng bào Tày vẫn tự lên rừng lấy được.
Công đoạn gói bánh chưng dài đòi hỏi sự khéo léo để đảm bảo cho chiếc bánh vừa đẹp lại ngon. Gạo thường được người dân ngâm trước khi gói. Quá trình gói phải để hai chiếc lá chéo đầu đuôi, nhân đỗ và thịt ở giữa. Nếu gói quá chặt tay thì bánh sẽ bị nghẹt nước, nếu gói quá lỏng bánh sẽ bị nhão. Do đó, gói chiếc bánh chưng dài lưng gù, nhân tròn đẹp là cả một kỹ thuật độc đáo của người Tày mà không phải ai cũng làm được.
Khâu luộc bánh cũng rất quan trọng, lá làm xanh được đặt dưới đáy nồi, bánh được xếp lên trên. Lửa phải đun nhỏ đều để chiếc bánh được rền. Do chiếc bánh chưng dài nhỏ hơn bánh vuông nên chỉ luộc khoảng 7 đến 8 tiếng là có thể vớt ra. Nếu như chiếc bánh vuông sau khi luộc được ép cho ráo nước thì với người Tày lại có cách bảo quản rất riêng. Sau khi vớt, từng cặp bánh được xâu vào nhau và treo lên nên có thể giữ bánh được rất lâu.
Những chiếc bánh được dâng lên bàn thờ để cảm ơn ông bà tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu, cho một cái Tết thêm đầm ấm. Người Tày gói nhiều bánh chưng để dùng suốt trong dịp Tết, để cho con rể mang biếu bố mẹ vợ, mang biếu anh em, họ hàng, để dành cho con cháu mang đi học xa và để ra giêng dùng sau khi đi làm đồng về. Người Tày còn quan niệm, khi nào hết bánh chưng mới hết Tết.
Treo bánh chưng Tết là cách bảo quản rất riêng của người Tày
Với người Tày Bắc Kạn, gói bánh chưng trở thành một phong tục tập quán văn hóa trong các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Chiếc bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là niềm vui sum họp mang lại không khí gia đình ấm áp trong những ngày đầu năm mới./.
Độc đáo bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm (05/04/2023)
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)