PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/11/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và tính bền vững. Định hướng này đang được các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm và đẩy mạnh ứng dụng nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh.

Năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt, thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân, thôn Cọn Pỏong, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn được tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Theo đó, hai hợp tác xã đã được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; qua đánh giá bước đầu đem lại hiệu quả và thay đổi dần tư duy, nhận thức của người sản xuất về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Triển khai nhân rộng Mô hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, lựa chọn Hợp tác xã chè Mỹ Phương (Ba Bể) và Hợp tác xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) để thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2024. 


Khu vực trồng chè của Hợp tác xã chè Mỹ Phương sẽ tham gia mô hình chuyển đổi số

Hợp tác xã chè Mỹ Phương được thành lập từ tháng 3/2017 hiện có 7 thành viên. Sau hơn 7 năm thành lập, Hợp tác xã đã xây dựng được 1 nhà xưởng diện tích 65 m2, được đầu tư thiết bị sao sấy như máy sao chè bằng ga, máy đóng túi hút chân không, máy sấy chè, cân định lượng… Sản phẩm chè của Hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, kỹ thuật chăm sóc, chế biến còn thủ công, chưa ứng dụng công nghệ cao nên chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm các thành viên, chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra, các lô hàng còn chưa đồng đều nên chưa đủ sức tham gia các chuỗi liên kết và phân phối lớn.

Hợp tác xã Dương Quang được thành lập ngày 6/1/2021 hiện có 9 thành viên, mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết và xây dựng một hệ thống sản xuất khép kín từ giống đến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt nhằm tương trợ, giúp đỡ các thành viên của các hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên.


Khu vực trồng dưa lưới và hoa cúc chi của Hợp tác xã Dương Quang

Đến nay, Hợp tác xã Dương Quang đã xây dựng một khu nhà lưới công nghệ cao có tổng diện tích 1.054 m2 sản xuất dưa lưới và trồng hoa; bước đầu sản xuất đã thu hoạch được khoảng 8 tấn dưa lưới/năm và cung ứng khoảng 10.000 bông hoa cúc ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Năm 2023, Hợp tác xã Dương Quang cùng các thành viên đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn trồng 2,3 ha hoa cúc chi, thu được trên 2 tấn hoa, Hợp tác xã còn bao tiêu 100% cho người dân. Các hoạt động sản xuất của Hợp tác xã đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn lao động.

Cũng như Hợp tác xã Mỹ Phương, Hợp tác xã Dương Quang trong trồng trọt, chế biến còn thủ công, các công đoạn nhất là kỹ thuật trồng dưa chưa ứng dụng công nghệ cao nên việc kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây, quả dưa còn thủ công, chất lượng sản phẩm đầu ra chưa đồng đều, chưa đủ sức tham gia các chuỗi liên kết và phân phối lớn cũng như hướng đến xuất khẩu.

Do đó, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong quy trình trong chu trình trồng trọt, chăm sóc, thu hái được xem là giải pháp then chốt giúp hai hợp tác xã này nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiếp cận xu hướng chung của cách mạng công nghệ số, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hợp tác xã trên thị trường, trực tiếp góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của địa phương. 

Theo Mô hình chuyển đổi số đã được UBND tỉnh phê duyệt, Hợp tác xã Mỹ Phương và Hợp tác xã Dương Quang được ứng dụng chuyển đổi số, hình thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc quản trị số về bộ máy, hệ thống sản xuất, giúp nâng cao trình độ, năng lực cho hợp tác xã nhằm ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hướng tới phát triển bền vững.

Cụ thể là được đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm gắn kết với hệ thống tưới, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, pH, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết nối các thiết bị đầu cuối xuyên suốt quá trình trồng chè cho khu vực mẫu khoảng 1 ha; đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm gắn kết với hệ thống tưới, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết nối các thiết bị đầu cuối xuyên suốt quá trình trồng dưa lưới; đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống điều khiển tưới tự động...

Các thành viên hợp tác xã được tham gia đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực trong tiếp cận ứng dụng chuyển đối số vào quản trị sản xuất, kỹ thuật khuyến nông. Thông qua ứng dụng công nghệ số giúp các hợp tác xã minh bạch hóa dữ liệu sản xuất, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho Mô hình trên 500 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước 500 triệu đồng, vốn đối ứng của 2 hợp tác trên 4 triệu đồng. Mức hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Bắc Kạn.

Khi triển khai thực hiện Mô hình sẽ hỗ trợ các hợp tác xã nhanh chóng bắt kịp với xu hướng nền nông nghiệp của thời đại mới, có thể đáp ứng được vấn đề về nhân lực khi áp dụng các công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm thời gian, tăng lợi nhuận kinh tế cho nông dân; bảo vệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khắc phục hạn chế ảnh hưởng của thiên tai trong quá trình sản xuất nông nghiệp (thời tiết quá nắng, thời tiết âm u thiếu ánh sáng… ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây).

Mô hình được triển khai sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, hiện đại hoá nông thôn, tham gia thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ngoài ra, Mô hình còn làm hình mẫu về triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương khác nghiên cứu, nhân rộng./.

BH