PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả tích cực từ việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone
Nhằm góp phần giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và thực tế qua triển khai đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Được triển khai từ năm 2012 theo Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 06 cơ sở điều trị và 01 điểm cấp phát thuốc Methadone (còn huyện Pác Nặm chưa triển khai Chương trình), với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị thay thế bằng Methadone tại các cơ sở là 708 người. Hầu hết các cơ sở điều trị Methadone nằm trong khuôn viên trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Tại các cơ sở điều trị đã duy trì nề nếp ổn định; thường xuyên đạt > 85% số lượng bệnh điều trị tại các cơ sở điều trị so với kế hoạch giao hằng năm; quản lý tư vấn 100% các đối tượng nghiện chính ma túy và vợ/chồng người nghiện thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Các cơ sở này cũng đã tổ chức tốt hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở và điểm phát thuốc cũng như kết hợp điều trị đồng nhiễm HIV/Methadone và Lao/Methadone.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại những hiệu quả tích cực trên nhiều mặt.

Trước hết, việc điều trị Methadone đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Theo kết quả thống kê, trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 12 tháng, tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3 - 4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1 - 2 lần/ngày. Tuy nhiên, sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ từ 2 - 3 lần/tháng.

Việc điều trị Methadone cũng làm giảm đáng kể các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV, tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C, giang mai. Trước điều trị, có tới trên 98,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, sau 06 tháng điều trị, tỷ lệ này chỉ còn 23,9% và sau 12 tháng giảm xuống chỉ còn 3,8% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm cũng giảm rõ rệt.

Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 12 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng, từ 90,3% trước điều trị xuống còn 2,27% sau 12 tháng điều trị. Có 86,9% đối tượng vẫn sống hòa thuận với thành viên trong gia đình; 85,0% đối tượng vẫn tham gia các mối quan hệ xã hội, hòa nhập với bạn bè.

Chương trình điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 23% đã tăng lên 64,3% sau 12 tháng điều trị. Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 12 tháng tham gia chương trình điều trị.

Có thể thấy, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế liên tục cắt giảm, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có điều trị Methadone. Từ khó khăn về kinh phí, chưa bố trí đầy đủ, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cùng với việc thiếu nhân lực nên công tác tuyên truyền về điều trị Methadone còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của Chương trình, còn có sự phân biệt kỳ thị đối với người nghiện, đặc biệt là người nghiện ma túy có nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn nên người bệnh tham gia chương trình điều trị cũng gặp không ít trở ngại, nhất là những bệnh nhân ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, còn một số lượng không nhỏ người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, chưa nằm trong danh sách có hồ sơ quản lý, họ còn e ngại khi tiếp cận điều trị Methadone do sợ bị lộ danh tính sẽ bị kỳ thị, sợ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên cũng ảnh hưởng đến việc thu dung bệnh nhân.

Để khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu việc sắp xếp, bố trí hợp lý địa điểm các cơ sở cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo ngành Y tế và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác truyền thông dưới mọi hình thức nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về Methadone, không phân biệt kỳ thị với nhóm người nghiện và đặc biệt là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tích cực vận động các đối tượng nghiện chủ động tham gia chương trình điều trị Methadone.../.

Bích Huệ