PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khám sức khỏe định kỳ là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất, có sức khỏe tốt thì mỗi người mới có thể học tập và làm việc được hiệu quả. Để biết được tình trạng sức khỏe của mình, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì mỗi người nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) từ 1 - 2 lần mỗi năm. Việc làm này cũng giúp kiểm soát, phát hiện sớm các bệnh để điều trị kịp thời.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám sức khỏe định kỳ cho VNPT Bắc Kạn 

Thực tế hiện nay, nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc KSKĐK nên còn chủ quan, phần lớn người dân khi bệnh đã nặng thì mới đến cơ sở y tế để khám chữa. Bên cạnh đó, có những người không thấy cơ thể có biểu nghi ngờ mắc bệnh, nghĩ rằng mình khỏe mạnh nên chủ quan không đi khám. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì mỗi bệnh có biểu hiện khác nhau, có bệnh biểu hiện rõ ràng nhưng có những bệnh diễn biến thầm lặng. Trong số đó, bệnh tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”; ngoài ra, đối với các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư… đôi khi các dấu hiệu của bệnh cũng không rõ ràng.

Việc phát hiện bệnh khi đã muộn, khiến cho người thầy thuốc rất khó trong việc điều trị, mất nhiều thời gian và hiệu quả đôi khi không được như mong đợi. Đối với người bệnh sẽ mất nhiều thời gian, công sức và gây tốn kém về chi phí để điều trị. Có người bệnh không qua khỏi hoặc nếu chữa khỏi thì di chứng của bệnh rất nặng nề, không thể khắc phục được, có người phải chịu tàn phế suốt đời…

Vì vậy, mỗi người dù cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh thì vẫn nên đi KSKĐK để phòng và phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, khi đó có nhiều cơ hội được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. KSKĐK còn giúp chẩn đoán sớm các bệnh như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn mỡ máu, suy thận, xơ gan, cao huyết áp hay các bệnh về tim mạch... Thông qua KSKĐK, các bác sĩ còn tư vấn về các phương pháp bảo vệ sức khỏe như thay đổi chế độ ăn uống; thói quen sinh hoạt, làm việc; luyện tập thể dục thể thao và cách theo dõi, phương pháp điều trị đối với từng bệnh cụ thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Lan - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, KSKĐK là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh tốt nhất. Bác sĩ Lan khuyến cáo, tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên nên đi KSKĐK từ 1 - 2 lần mỗi năm nhằm phát hiện sớm nguy cơ và mầm mống bệnh để có thể can thiệp, ngăn chặn kịp thời…

Thời gian qua, ngành Y tế luôn quan tâm đến vấn đề dự phòng bệnh tật từ sớm cho Nhân dân. Là đơn vị thuộc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ khám, phát hiện sớm các bệnh thông qua hoạt động KSKĐK. Được cấp có thẩm quyền công bố đủ điều kiện KSKĐK từ ngày 14/5/2018, Trung tâm được bố trí đầy đủ các phòng khám, bàn khám đối với từng chuyên khoa như nội, ngoại, sản, mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng,… Ngoài ra, đơn vị cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám bệnh như máy siêu âm, chụp Xquang, điện não, lưu huyết não, đo loãng xương, các loại máy phục vụ công tác xét nghiệm máu, nước tiểu... Về nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm có chứng chỉ hành nghề và đáp ứng cơ bản các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ.

Nhờ có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nên trong thời gian qua, hoạt động KSKĐK của Trung tâm đã đạt được những kết quả tích cực, được nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân trong tỉnh lựa chọn để khám sức khỏe phục vụ cho công việc, học tập, lái xe... Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã khám cho hơn 6.000 lượt người; từ đầu năm 2021 đến nay, khám cho 13 đơn vị và 535 lượt người.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Tôn - Giám đốc Trung tâm, cùng với những kết quả đã đạt được, công tác KSKĐK tại Trung tâm cũng gặp một số khó khăn. Về nhân lực, một số cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo sâu về các chuyên khoa, một số trang thiết bị đã hỏng hoặc lỗi thời; việc mua sắm một số hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho khám chữa bệnh đôi khi chưa kịp thời.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ viên chức đơn vị, nhất là những chuyên ngành đang thiếu nhân lực. Ngoài ra, Trung tâm cũng đề xuất với các ngành chức năng trang bị thêm một số thiết bị cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KSKĐK và kiểm soát bệnh tật trong thời gian tới./.

Ngọc Tú