PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, vì vậy lĩnh vực này đã và đang tiếp tục được tỉnh quan tâm để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng mới cây mơ vàng
tại huyện Chợ Mới

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự phối hợp của các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Ngành luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN, chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành KH&CN luôn chú trọng công tác tham mưu giúp UBND tỉnh hoạch định các chính sách nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Trên cơ sở bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động nghiên cứu triển khai luôn là nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác quản lý KH&CN của địa phương.

Để không ngừng nâng cao chất lượng của hoạt động này, Hội đồng KH&CN đã thường xuyên được kiện toàn từ tỉnh đến các ngành và cơ sở; phương thức làm việc của Hội đồng đảm bảo đúng tinh thần của Luật KH&CN. Việc lựa chọn danh mục nhiệm vụ KHCN xuất phát từ hướng ưu tiêu phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của các ngành nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành KH&CN tỉnh đã triển khai thực hiện 42 đề tài, dự án. Sau khi nghiệm thu, Sở KH&CN tiến hành bàn giao kết quả các nhiệm vụ cho các ngành, các huyện để nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Trong số các đề tài, dự án được nghiệm thu, số lượng nhiều hơn cả là lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Với thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực này, chiếm trên 70% trong tổng số các nhiệm vụ khoa học. Các đề tài, dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình bưởi diễn, mô hình sản xuất chè hàng hóa, cà gai leo, bí thơm Ba Bể, hồng không hạt, lúa bao thai, chế biến chuối tây... Kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ KHCN các cấp có tác động lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó có thể kể đến một số đề tài, dự án mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét như: Đối với cây cam, quýt, địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Các giống mới tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm tại một số vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Hay đối với dự án trồng cam Xã Đoài, từ thử nghiệm 30 ha (năm 2014) tại 3 huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, đến nay, tổng diện tích trồng cam Xã Đoài của tỉnh đã phát triển lên đến hơn 200 ha. Hay mô hình phát triển cây chè, cây lê, cây mơ vàng, cây hồng không hạt… qua triển khai dự án, đến nay, các cây trồng lợi thế này đã tạo nên thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Một số hoạt động dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn

Hiệu quả ngoài mong đợi là đối với sản phẩm miến dong, qua triển khai các đề tài, dự án đối với sản phẩm này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Trong đó, sản phẩm miến dong Nhất Thiện, miến dong Tài Hoan nhiều năm liên tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu tiểu cấp Quốc gia. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia và đã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Đây là những đóng góp đáng kể đối với lĩnh vực KH&CN của tỉnh nhà.

Sau triển khai dự án, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã phát triển về số lượng và chất lượng,
đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường Châu Âu

Trong chăn nuôi, tỉnh đã triển khai một số đề tài dự án nhằm tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm, bảo tồn các giống địa phương như: Mô hình chăn nuôi gà thả vườn, mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái, phát triển đàn lợn hướng nạc, bảo tồn và nâng cao chất lượng giống vịt bầu cổ xanh... Thông qua các dự án đã giúp đồng bào dân tộc thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, hình thành sản phẩm hàng hóa.

Cùng với đó, trong thời gian qua, ngành KH&CN đã đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất, thông qua một số dự án như: Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất chè VietGAP, sản xuất chè hữu cơ, chế biến chè Shan tuyết chất lượng cao; Quy trình sản xuất và tiêu thụ quýt theo hướng VietGAP… qua đó giúp hoàn thiện công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực khác, các đề tài, dự án khoa học cũng đã đóng góp vào sự phát triển của địa phương, như: Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch Ba Bể; Xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng bằng sổ sức khỏe điện tử; Nghiên cứu một số giải pháp can thiệp, quản lý người nhiễm vi rút viêm gan B ở lứa tuổi thanh niên tỉnh Bắc Kạn; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và cung cấp thông tin trực tuyến về thời tiết và thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất gạch xi măng-cốt liệu từ nguồn đá mạt và các nguyên liệu sẵn có ở tỉnh Bắc Kạn...

Nét nổi bật nhất trong việc triển khai đề tài, dự án không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới, kỹ thuật mới cho địa phương mà còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế. Lợi ích của đề tài, dự án mang lại đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Mặt khác, thông qua hoạt động này, người dân có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ của các viện nghiên cứu, các trường đại học có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực của đời sống.

Với tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp và các địa phương trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ngành KH&CN đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương.

Tính đến nay, Bắc Kạn đã có 6 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó, hồng không hạt, quýt và miến dong được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý; gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết xã Bằng Phúc được cấp Nhãn hiệu tập thể. Qua đó tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng và nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm có lợi thế của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đóng góp của ngành KH&CN trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khoá XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững. Với mục tiêu này, ngành KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới trong tư duy và hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành; tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập; bảo tồn quỹ gen giống cây trồng vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm thuộc đề án OCOP; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai truy xuất nguồn gốc; tăng cường hoạt động dịch vụ, tiềm lực KHCN, đầu tư trang thiết bị để từng bước hiện đại hoá công tác quản lý trên địa bàn…/.

Hương Lan