Độ tương phản
Trong những ngày tháng 8 này, cùng với cả nướchướng về kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2016) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2016), người dân thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn lại truyền nhau câu chuyện về sự kiện cách đây 65 năm Bác Hồ đến nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn ngay tại thôn.
Trưởng thôn Đinh Quang Bộ giới thiệu điểm di tích lịch sử cấp tỉnh,
nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào năm 1951
Theo tư liệu của thôn, vào những năm 1950 - 1951, các cơ quan huyện Bạch Thông sơ tán về Khuổi Cuồng, xã Phong Lưu, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn (nay là xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn). Trên chặng đường đi công tác, Bác đã dừng chân tại đây và 2 lần tổ chức nói chuyện với cán bộ và nhân dân Khuổi Cuồng. Năm tháng trôi qua, câu chuyện Bác về thăm cùng những ký ức hào hùng của lịch sử vẫn lưu truyền như một niềm tự hào của các thế hệ người dân sinh sống trên mảnh đất này.
Chúng tôi tìm gặp ông Hà Văn Thầm - người chứng kiến câu chuyện về ngày Bác Hồ dừng chân ở Khuổi Cuồng nhưng ông Thầm đã mất, bà vợ Nguyễn Thi Coi năm nay cũng đã 80 tuổi, tóc trắng da mồi song vẫn còn minh mẫn. Vừa tìm lại những ghi chép của ông Thầm cho chúng tôi xem, bà vừa kể lại: “Ấy là vào sáng ngày 28/3/1951, nghe tin Bác Hồ dừng lại ở Khuổi Cuồng, tôi vội vã chạy tắt qua mấy quả đồi mong được gặp Người. Nhưng khi vừa đến nơi thì xe của Bác cũng bắt đầu chuyển bánh”. Bà Coi dừng lại, giọng đầy tiếc nuối: “Vậy là tôi đã không được gặp Bác như ước nguyện bấy lâu nay. Nhưng khi xe Bác đi rồi, bà con vẫn còn tụ tập ở đấy tiễn chân Bác. Trong đó có vài người vừa được trực tiếp gặp Người. Họ kể lại câu chuyện vừa được gặp Bác Hồ kính yêu”.
Trước mặt Bác là một hàng rào ngăn bằng dây sắn, Bác bảo các chú cảnh vệ nhổ cọc bỏ dây rào đi để cho dân vào gần với Bác. Trong cuộc nói chuyện, Bác kể về cuộc kháng chiến của nhân dân ta và thực dân Pháp. Bác nói Bắc Kạn mới được giải phóng, đồng bào còn nghèo do đó phải đoàn kết giúp nhau vỡ đất khai hoang, phục hoá, tăng gia sản xuất để “cơm đủ ăn, áo đủ mặc”, đóng góp cho kháng chiến. Cùng với việc “diệt giặc đói” thì “diệt giặc dốt” cần được chú trọng, do đó bà con cần tích cực học chữ để biết đọc, biết viết, biết đọc sách báo từ đó biết chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mà noi theo… Cuối cùng Bác căn dặn cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Bắc Kạn xây dựng hậu phương vững mạnh chi viện cho tiền tuyến để diệt giặc ngoại xâm.
Nhớ lời Bác dạy, nhân dân các dân tộc thôn Khuổi Cuồng đã đoàn kết một lòng theo Đảng. Thực tế trong các cuộc kháng chiến đã có biết bao người con trong thôn xung phong cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong công cuộc đổi mới, bà con nơi đây luôn sống hòa thuận, ra sức thi đua lao động sản xuất, chủ động nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng đời sống quê hương ấm no, hạnh phúc.
Trưởng thôn Đinh Quang Bộ cho biết: Thôn có 83 hộ với 350 nhân khẩu, là thôn thuần nông, tuy vậy các hộ dân trong thôn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì thế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn không ngừng được nâng lên, hiện toàn thôn chỉ còn 01 hộ nghèo.
Từ một làng nhỏ bé với con đường mòn, đến nay xe ô tô đã đi vào được tận thôn. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích cực tham gia các lớp tập huấn, chủ động tiếp cận với nhiều mô hình canh tác mới cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng chuối tây, trồng cây ăn quả, chăn nuôi dê, nhím… đều mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình với trên 50 triệu đồng/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác xã hội trong thôn được thực hiện tốt, đến nay 100% trẻ đúng độ tuổi được huy động đến trường, 100% số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn, được sử dụng điện lưới quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng nhà họp thôn, bê tông hoá đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường… cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Những tuyến đường liên thôn, xóm đã được bê tông hoá. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã trở thành nền nếp, quy ước thôn bản được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, góp phần gắn bó tình đoàn kết trong làng bản. Việc cưới, việc tang được tổ chức gọn nhẹ, không lãng phí. Trong thôn không có người nghiện ma túy hay mắc các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững.
Với những đổi thay hiện nay ở Khuổi Cuồng đã cho thấy, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn luôn khắc sâu lời dạy của Bác để xây dựng quê hương ngày giàu đẹp hơn. Tuy nhiên, điều mà bà con băn khoăn chính là việc xây dựng Khu tưởng niệm về Bác, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng và tấm gương sống, làm việc của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh./.
Đồn Phủ Thông - Trận đánh công kiên của quân dân ta (31/10/2017)
Về Hoàng Phài - Nơi dừng chân của Bác (31/10/2017)
Vang mãi chiến công nơi địa danh lịch sử Đèo Giàng (31/10/2017)
Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Địa danh cách mạng nơi Bác Hồ từng sống và làm việc (27/10/2017)
Địa danh Nà Pậu - Nơi Bác Hồ sống và làm việc đầu năm 1951 (26/10/2017)