PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Múa Nộc Niệc - điệu múa cần gìn giữ và phát triển
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đào phai khoe sắc, tại Hội xuân Hà Vị của xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, người dân lại háo hức đón đợi những cuộc hóa thân thành muông thú để múa mừng năm mới hay còn gọi là múa Nộc Niệc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Múa Nộc Niệc là điệu múa đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến năm 1989 mới được những người cao tuổi ở vùng đất Hà Vị (nay là xã Quân Hà) sưu tầm. Từ năm 1995, điệu múa này được phục dựng lại trong dịp hội xuân. Đây là thể múa khá đặc biệt, ít thấy ở các địa phương khác vào những ngày này.

Trong điệu múa Nộc Niệc, các nghệ nhân hóa thân thành những con vật để cùng nhảy múa

Nộc Niệc là tên gọi tiếng Tày của chim phượng hoàng đất, loại chim có thật, màu đen, mỏ vàng, có thể to bằng con ngan, thậm chí bằng cả con ngỗng. Sở dĩ người ta đặt tên cho thể múa này như vậy bởi phượng hoàng là một con trong bộ Tứ linh. Song sự khác nhau ở chỗ phượng hoàng đất không phải con vật được xây dựng trên cơ sở óc tưởng tượng của con người như phượng hoàng trong bộ Tứ linh mà ta vẫn thấy.

Múa Nộc Niệc thể hiện một nhân sinh quan hòa hợp giữa con người với vạn vật trong tự nhiên

Theo truyền thuyết, xưa có nàng Vo, nàng Ve xinh đẹp đã đánh bại thủy thần, cứu nguy cho dân lành. Vua Thủy tề tức giận tạo lụt lớn, thuồng luồng theo sông, theo suối lên bắt người, núi đồi lở sạt tan tành như thóc rang nổ mà người Tày vẫn dùng làm bánh “khẩu thuy”. Nàng Vo, nàng Ve đã ra tay chặn đánh thủy thần đưa dân chạy lên hướng Tây - Bắc dãy núi Pja Bjoóc (Núi Hoa) bây giờ. Từ đó người ta đã lấy khẩu phéc (bỏng gạo) trộn đường phên làm thành bánh tượng trưng cho việc gắn lại đất đá, nặn thành các con vật trong múa Nộc Niệc thể hiện sự hòa hợp tự nhiên để mừng xuân.

Với nét độc đáo riêng biệt, múa Nộc Niệc đã trở thành điểm nhấn tạo nên sức hút trong lễ hội xuân của người
Quân Hà

Theo các cụ cao niên vùng Hà Vị, múa Nộc Niệc thực chất là múa xông đất, cầu mùa, cầu an lành cho người dân bản khắp mường trên, mường dưới. Ngày xưa, múa Nộc Niệc được tổ chức cả tháng nhưng ngày nay đã rút gọn xuống còn một ngày, nhằm ngày 11 tháng Giêng hằng năm của xã Hà Vị. Màn hóa thân thành muông thú luôn thu hút được đông đảo người dự hội. Múa Nộc Niệc không chỉ đơn thuần để vui văn nghệ mà còn là nghi thức không thể thiếu để có thể khai hội Lồng Tồng (xuống đồng) tại địa phương. Thêm nữa, điệu múa này cũng chính là để cảm ơn thần linh một năm qua đã phù hộ cho cuộc sống người dân yên bình, nhắc nhở con cháu cần biết ơn công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, múa Nộc Niệc của người Tày đang dần sống lại một cách sinh động. Tuy nhiên, múa Nộc Niệc còn rất ít người trẻ tuổi biết đến, do vậy các cấp, ngành địa phương cần quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Bạch Thông đến với du khách./.

Thu Trang