PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nêu cao tinh thần “tuổi cao, ý chí càng cao"
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, người cao tuổi luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao, ý chí càng cao”, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và luôn đề cao vai trò của người cao tuổi. Trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (tháng 6/1941), Người viết: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, Nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, Nhân dân làm theo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, lớp lớp người cao tuổi trong cả nước đã hăng hái tham gia giành chính quyền, kháng chiến, kiến quốc, xứng đáng với sự ghi nhận của Bác:

“Tuổi già nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã không quản gian khổ hy sinh cống hiến cho độc lập dân tộc, cho sự trường tồn của Tổ quốc. Trong những năm 1941 - 1945, đông đảo người cao tuổi tham gia tổ chức Hội Phụ lão cứu quốc, cùng con cháu nuôi giấu cán bộ, làm giao thông liên lạc và tích cực tham gia binh vận, tích cực cùng cán bộ xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cụ ông, cụ bà gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ở vùng tự do, người cao tuổi cùng gia đình, địa phương thi đua lao động sản xuất, phục vụ đời sống và nuôi cán bộ, bộ đội, vận động con em, thanh niên tham gia quân đội, thanh niên xung phong. Các Hội mẹ chiến sĩ tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “hũ gạo nuôi quân”, hết lòng chăm sóc thương binh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), người cao tuổi hăng hái tham gia 2 nhiệm vụ chiến lược của dân tộc. Miền Bắc xây dựng những cánh đồng 5, 10 tấn thắng Mỹ, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở chiến trường miền Nam, nhiều người cao tuổi ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, người cao tuổi nước ta đã tích cực đóng góp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất kinh doanh. Nước ta hiện có hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp dù tuổi đã cao song vẫn lao động miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học, lao động, sáng tạo; không ít người cao tuổi ở tuổi 70, 80 vẫn đang làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại…, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho con, cháu trong gia đình, dòng tộc mình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Người cao tuổi Bắc Kạn tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ.
Ảnh: Tiết mục văn nghệ tại Liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh năm 2023)

Những năm qua, Hội Người cao tuổi cả nước đã tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào khuyến học khuyến tài, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn… Trong đại dịch Covid-19, các cấp Hội, người cao tuổi trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm, nhiều người cao tuổi vẫn hăng hái tham gia chống dịch…

Tiếp nối truyền thống cao đẹp đó, những năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Kạn luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trở thành gương sáng cho thế hệ sau học tập và noi theo.

Là hội viên người cao tuổi, từ năm 1998 đến nay, ông Phạm Văn Khắc được tín nhiệm giữ vai trò Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thái Bình, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông. Qua nhiều năm công tác, ông đã khẳng định tinh thần trách nhiệm, uy tín đối với địa phương, luôn gương mẫu, được Nhân dân tin yêu. Những năm gần đây, ông Khắc cùng với lãnh đạo thôn luôn tích cực tuyên truyền người dân xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, thôn đã xây dựng được hệ thống điện thắp sáng đường quê. Không chỉ vậy, năm 2023, ông vận động Nhân dân đóng góp được 118 triệu đồng và 400 ngày công lao động để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vận động 2 hộ gia đình hiến 450 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Năm 2023, thôn Thái Bình đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới, thôn cũng có 15 năm liên tục đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa.

Phụ trách công tác văn hóa văn nghệ của Hội Người cao tuổi phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, bà Hà Thị Nghìn đã tích cực truyền dạy làn điệu then của dân tộc Tày cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Những buổi đầu học các em còn bỡ ngỡ vì chưa biết nghe và nói tiếng Tày, song bà Nghìn đã kiên trì hướng dẫn từng câu chữ, nốt nhạc nên sau thời gian học, nhiều em đã có thể hát và biểu diễn được. Bà Nghìn mong muốn thời gian tới, các nhà trường sẽ đưa các làn điệu hát then và đàn Tính của dân tộc Tày vào các tiết ngoại khóa để bồi dưỡng thêm cho các em tình yêu và trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc.

Phát huy truyền thống của người cao tuổi, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đang tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tuổi cao ý chí càng cao, sống vui, sống khoẻ, sống có ích, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của mình góp phần vào xây dựng đất nước ngày càng phát triển./.

Ngọc Tú