PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/02/2018
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những món ăn quen thuộc ngày Tết của người Bắc Kạn
Bên cạnh những món ăn cổ truyền như bánh trưng, dưa hành, xôi gà… mâm cơm ngày Tết của người dân Bắc Kạn còn có những món ăn khác biệt thể hiện nét văn hóa đặc trưng vùng miền.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bên cạnh những món ăn cổ truyền như bánh trưng, dưa hành, xôi gà… mâm cơm ngày Tết của người dân Bắc Kạn còn có những món ăn khác biệt thể hiện nét văn hóa đặc trưng vùng miền.

Món lạp sườn

Một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Bắc Kạn là món lạp sườn hun khói. Điểm độc đáo của lạp sườn Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống gia vị nào của miền xuôi. Lạp sườn được làm bằng phương pháp thủ công có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật, thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng khoái khẩu.

Thịt treo gác bếp

Cũng đặc sắc không kém lạp sườn hun khói là món thịt treo gác bếp. Khi thịt lợn, người ta cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên nia xát muối, bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá trong rừng, rồi cho vào chảo ủ ba đến bốn ngày, sau đó rửa nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo trên gác bếp. Quá trình hun khói thịt đòi hỏi phải liên tục, công phu và cả sự khéo léo cộng với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu năm. Chính vì thế vào dịp Tết nếu có dịp đến vùng núi cao nơi đây du khách sẽ được chứng kiến bếp cả làng đỏ lửa, khói bếp hòa với sương núi lơ lửng khắp mọi nẻo đường tạo lên một khung cảnh mờ ảo như cõi thần tiên.

Thịt đông

Thịt đôngcũng là món ăn khoái khẩu của nhiều người trong những ngày Tết giá rét. Mâm cỗ Tết của người dân Bắc Kạn cũng không thể thiếu món thịt đông này. Cách nấu thịt đông khá đơn giản, tai lợn và thịt lợn bóp kỹ với muối hạt để tẩy hết mùi hôi, rửa lại thật sạch với nước, để ráo. Thái thịt lợn và tai heo thành miếng vừa ăn. Cho thịt và tai heo vào nồi, ướp thịt với gia vị, hạt tiêu, trộn đều để thịt ngấm gia vị trong 20 phút. Cho nồi thịt lên bếp xào chín, xào kỹ cho thịt thật ngấm gia vị. Thêm nước trắng vào cho ngập mặt thịt, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa ninh cho đến khi thịt chín mềm. Khi thịt chín vừa mềm, cho mọc nhĩ và nấm hương đã sơ chế vào nấu cùng. Khi thịt đông chín mềm, nêm nếm lại cho vừa với khẩu vị gia đình, rắc thêm chút hạt tiêu nữa cho dậy mùi thơm.

Một món rất ngon nữa trong ngày Tết ở Bắc Kạn là món mứt mận, đây được coi là đặc sản vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình. Chế biến mứt mận rất cầu kỳ, trước tiên phải chọn loại mận chát và đắng, rồi sau đó phải khía từng quả mận để khi nấu mận ngấm đường. Khi đã khía mận thật mỏng ngâm xuống chậu nước lã, những cánh mận được khía nở ra như một bông hoa rừng thật đẹp. Muốn mận vừa dai vừa mềm và không bị chát thì cứ 5kg mận ngâm 1 lạng vôi và nước lã trong 3 ngày. Cuối cùng cho mận vào nồi nấu với đường, nếu 1kg mận thì phải cần 3kg đường phên. Nấu mứt mận cũng rất lâu 5 tiếng đồng hồ mới xong một mẻ mận. Sau đó đem đi phơi ngoài nắng tầm 4 nắng là đóng mận cất vào túi.

Món mứt mận

Bên cạnh các món ăn kể trên, ngày Tết trên quê hương Bắc Kạn còn có món canh măng khô ninh với chân giò lợn, giò xào, miến dong đặc sản, măng nhồi, khâu nhục…

Mâm cỗ Tết thể hiện cho văn hóa truyền thống của mỗi vùng miền, chứa đựng nét đặc trưng của bản địa. Vì vậy, tùy theo phong tục tập quán và điều kiện khí hậu mà các miền khác nhau lại có những món ăn truyền thống đặc trưng riêng thể hiện nét văn hóa vùng miền của mình./.

Thu Trang