PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình nuôi lợn rừng lai
“Dám nghĩ, dám làm”, anh Hoàng Văn Thứ (sinh năm 1991) ở thôn Tát Dài, xã Địa Linh, huyện Ba Bể đã mạnh dạn đưa giống vật nuôi mới - lợn lai rừng vào phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Anh Hoàng Văn Thứ chăm sóc lợn lai rừng

Chia sẻ về quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi lợn rừng lai, anh Hoàng Văn Thứ cho biết, năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Thái Nguyên), anh về quê và có làm một số công việc nhưng không ổn định. Một lần, anh tình cờ đọc được thông tin trên mạng về mô hình nuôi lợn rừng lai tại huyện Chợ Đồn mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương nên đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm, đầu tư thực hiện.

Cuối năm 2019, anh Thứ bắt tay vào xây dựng chuồng trại để nuôi thử nghiệm sau khi tham quan, tìm hiểu kỹ về mô hình nuôi lợn rừng từ các trang trại lớn ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, anh học hỏi thêm kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật qua Internet.

Anh Thứ cho biết, lựa chọn phát triển kinh tế với mô hình nuôi lợn lai rừng vì thấy đây là loài vật dễ nuôi, có thị trường lớn. Mặc dù vậy, những ngày đầu bắt tay vào thực hiện, anh không khỏi lo lắng vì từ trước tới nay, ở địa phương chưa có ai nuôi lợn lai rừng; mọi kiến thức anh tiếp thu được đều thông qua học hỏi “lý thuyết” chứ chưa có kinh nghiệm thực hành. Sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình là động lực để anh quyết tâm thực hiện.

Vừa học, vừa làm, anh Thứ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tế. Mô hình chăn nuôi dần ổn định giúp anh kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và tăng đàn nhanh chóng. Đối với lợn rừng lai, anh nuôi lợn nái để sản xuất giống phục vụ nuôi lợn thương phẩm, chỉ bán con giống với số lượng rất ít cho khách có nhu cầu. Năm 2022, gia đình anh đã xuất bán trên 1,4 tấn lợn thương phẩm; dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, gia đình anh không đủ lợn để bán ra thị trường. Từ 2 con lợn giống ban đầu, đến thời điểm hiện nay, anh Thứ đã có đàn 12 lợn nái rừng lai, lợn thương phẩm đã bán hết, còn 50 con lợn giống anh giữ lại để nuôi lợn thương phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, anh Hoàng Văn Thứ cho biết, anh nuôi lợn rừng lai theo mô hình hoàn toàn khép kín. Chuồng trại được thiết kế, lắp đặt hệ thống điện, nước, ánh sáng, nguồn nước vệ sinh chuồng nuôi khép kín hầm biôga, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài khu chuồng có mái che cần thêm một sân phơi quây bằng lưới sắt B40, tạo cho lợn rừng tiếp xúc với tự nhiên và ánh nắng ngoài trời.

Cũng theo anh, lợn rừng là giống vật nuôi có sức đề kháng cao, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện ở địa phương. Bên cạnh đó, lợn rừng không kén thức ăn nên khi nuôi có thể tận dụng được những nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, cỏ voi, một số cây dược liệu như chè đại, cây xuyến chi… và các loại cám ngô, cám gạo, bã bia, bã đậu...

Thành công với mô hình nuôi lợn lai rừng, anh Thứ mở rộng quy mô sản xuất với việc nuôi thêm lợn nái đen bản địa để sản xuất con giống cung cấp cho thị trường. Hiện nay, anh có 17 lợn nái đen bản địa và 60 lợn giống chưa xuất chuồng.

Ngoài chăn nuôi lợn, anh Thứ còn trồng thêm cây ăn quả để tăng thu nhập

Cùng với phát triển chăn nuôi, anh Thứ trồng thêm cây ăn quả như bưởi, ổi… để tăng thêm thu nhập. Chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Thứ đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, năm 2022, anh Hoàng Văn Thứ đã vận động các hộ dân trong khu vực cùng thành lập Hợp tác xã Nông lâm tổng hợp Địa Linh để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất. Đến nay, Hợp tác xã có 15 thành viên cùng phát triển trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản.

Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, anh Hoàng Văn Thứ là tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên xã Địa Linh nói riêng và huyện Ba Bể, toàn tỉnh nói chung tích cực lao động sản xuất, chủ động tham gia các phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương .../.

Hương Dịu