Độ tương phản
Phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (Ảnh: Nấu rượu men lá tại xã Bằng Phúc, Chợ Đồn)
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn sẽ phát triển ngành nghề nông thôn theo 6 nhóm: (1) Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; (2) Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (3) Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (4) Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (5) Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; (6) Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Về định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, tỉnh chú trọng hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, góp phần tăng quy mô cơ sở sản xuất để đủ điều kiện công nhận làng nghề theo lộ trình; ưu tiên thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề...; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề tham gia Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến...; hỗ trợ các ngành nghề, làng nghề tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các hội chợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ trí tuệ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, các tuyến du lịch, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề...
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề trong xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn; ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển cảnh quan nông thôn gắn với các khu, điểm du lịch sinh thái, phát huy lợi thế từng địa phương, bảo đảm xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thu hút khoảng 3 nghìn lao động trở lên tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; thành lập mới 3 làng nghề trở lên; phát triển ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn theo các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề...; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, đáp ứng 70% trở lên nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020...
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn là hoạt động trọng tâm mang lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của các địa phương.
Nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hằng năm đào tạo nghề cho 6.000 lượt người trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 50% trở lên. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã công nhận Làng nghề sản xuất miến dong Côn Minh (Na Rì). Toàn tỉnh hiện có 221 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua khảo sát, đánh giá cho thấy, các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có xu thế phát triển tốt. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được địa phương, các hộ, cơ sở sản xuất, hợp tác xã quan tâm thực hiện. Nhiều cơ sở, hợp tác xã, hộ gia đình làm nghề đã tích cực tham gia Chương trình OCOP, sử dụng nguồn lao động, nguyên liệu tại chỗ của địa phương, qua đó tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Một số ngành nghề có tiềm năng phát triển thành Làng nghề như nghề sản xuất men rượu tại xã Sơn Thành (Na Rì); nghề sản xuất cơm lam, bánh gio, bánh củ chuối tại xã Hòa Mục, nghề sản xuất chè Shan tuyết tại xã Yên Hân (Chợ Mới)…/.
Sản phẩm OCOP Bắc Kạn hút khách hàng dịp Tết (22/01/2025)
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là quyền lợi và trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức (21/01/2025)
Hợp tác xã Minh Anh: Điểm sáng trong nuôi trồng, chế biến nấm (17/01/2025)
Hàng Việt chiếm ưu thế thị trường Tết (16/01/2025)
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (09/01/2025)