PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phòng chống ngộ độc lá ngón, vấn đề cần được quan tâm
Những năm qua, tại các địa bàn vùng cao của tỉnh Bắc Kạn xảy ra nhiều vụ ngộ độc lá ngón. Đây thực sự đã trở thành mối lo ngại đối với mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Cây lá ngón được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A
(Ảnh. Cây lá ngón tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm).

Theo một nghiên cứu, từ năm 2011 đến năm 2015, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có 52 người ngộ độc lá ngón, nguyên nhân chủ yếu là tự tử và một số ít hái nhầm làm thức ăn. Nhiều thôn bản vùng cao của huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) hằng năm vẫn thường xảy ra các vụ tự tử do ăn lá ngón. Câu chuyện người dân vùng cao giải quyết mâu thuẫn, bế tắc bằng lá ngón đã xảy ra từ rất lâu. Vấn đề này đến nay vẫn còn tồn tại, dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Câu chuyện gia đình chị Hoàng Thị De, dân tộc Mông ở thôn Phja Bây, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, đã mấy tháng nay, mỗi khi nhớ đến người con gái 14 tuổi, chị De lại khóc. Nỗi đau của chị bao trùm lên cả bản làng.

Chị De nghẹn ngào kể lại câu chuyện buồn của gia đình mình: "Lúc tôi đi phun lúa về, trong bản có người nói chị nó trông em để em ngã, bị gãy tay phải. Tôi mắng nó, nó sợ, nó tự đi ăn lá ngón. Sau khi ăn về nó đi ngủ với bà nội, cũng gần tối rồi. Thấy nó kêu khó thở, bà nội hỏi sao cháu kêu thế này?Cháu ăn lá ngón à? Nó gật đầu. Bà nội gọi đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện, đi đến thì chết rồi”.

Tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm có gia đình ông Thào Văn Súa, kinh tế rất khó khăn. Trong đầu ông luôn luẩn quẩn suy nghĩ: “Vợ, con không thương mình”. Đã vài lần ông tìm đến lá ngón để kết thúc cuộc sống, nhưng được phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời nên qua khỏi. Năm 2019, sau khi uống rượu say, một lần nữa ông lại tìm đến lá ngón, rồi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 46.

Căn nhà nhỏ của ông Súa nay trở nên cô quạnh, hiu hắt buồn. Cuộc sống đã khó nay càng khó hơn. Ngày ngày, vợ chồng chị Sùng Thị Mai (con dâu ông Súa) phải vất vả làm lụng lo cho 5 miệng ăn. Chị Mai chia sẻ: “Ông mất đi rồi không có ai giúp nữa. Bây giờ lại có bệnh Covid nữa, đi làm cái gì cũng khó, kiếm tiền cũng khó. Bây giờ chỉ có làm ruộng với trồng ngô…”.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận những ca bệnh ngộ độc do ăn lá ngón xuất phát từ tâm lý chủ quan, sử dụng nhầm lẫn. Các vụ ngộ độc xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình người bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có thể lấy đi cả tính mạng của người bệnh.

Cây lá ngón là loại cây leo, dài hàng chục mét. Lá màu xanh, nhẵn bóng, hình trứng giống hình mũi mác, dài 7 đến 12 cm, mọc đối xứng, không có lông. Cây lá ngón được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, ăn 3 lá có thể tử vong. Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm do lá ngón. Phần lớn bà con ở vùng cao đều biết rõ loài cây cực độc này. Tuy vậy, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống, họ lại tìm đến lá ngón để quyên sinh. Nguyên nhân sâu xa do trình độ dân trí thấp, hủ tục lạc hậu, kinh tế khó khăn.

Các vụ ngộ độc, tử vong do lá ngón đã trở thành mối lo ngại đối với mỗi gia đình và cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã tăng cường công tác chỉ đạo về an toàn thực phẩm. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 546/KH-UBND ngày 17/9/2020 triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các cấp tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công quản lý. Hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện được đẩy mạnh.


Nhân viên y tế thôn bản truyền thông về ngộ độc lá ngón cho người dân xã Xuân La, huyện Pác Nặm

Huyện Ba Bể là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ ngộ độc lá ngón. Theo ông Khổng Văn Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Bể: “Để giảm thiểu số vụ ngộ độc lá ngón, Trung tâm Y tế tập trung tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, chuẩn bị tốt công tác cấp cứu cơ sở…”.

Ngoài lá ngón, đôi khi bà con chủ quan lấy nhầm nấm độc, lá, rễ… cây rừng có độc mang về sử dụng, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thương tâm. Tại tỉnh Bắc Kạn, những năm qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên, rượu ngâm sâm, ngộ độc nấm... Vì vậy, khi chưa rõ hoặc chưa biết biết chính xác, bà con tuyệt đối không nên sử dụng.

Phần lớn các vụ ngộ độc lá ngón trên địa bàn tỉnh ta xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. Thực trạng trên đặt ra vấn đề về sự cần thiết đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế, giúp cho người dân vùng cao nâng cao đời sống vật chất, nhận thức đúng đắn về cuộc sống, có môi trường sinh hoạt và giao lưu văn hóa phong phú hơn./.

Ngọc Tú