PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số
Là tỉnh miền núi có trên 88% là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được tỉnh Bắc Kạn xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên được quan tâm triển khai thực hiện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tuyên truyền về Đề án
"Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025"
tại huyện Pác Nặm

Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.  

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 758 lượt công trình hạ tầng được đầu tư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân; 18.053 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, được hỗ trợ làm chuồng trại...

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đã có trên 10.000 lượt hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, mua sắm máy móc, nông cụ, được hỗ trợ chuyển đổi nghề, được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 43.000 lượt hộ được hỗ trợ bằng tiền mặt với số tiền trên 17 tỷ đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y... phục vụ phát triển sản xuất.

Không chỉ được hỗ trợ về vật tư, thiết bị sản xuất và nguồn vốn, hằng năm, hàng nghìn lượt hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn được tham gia tập huấn, được bồi dưỡng kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, tỉnh cũng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức cấp phát miễn phí 1.939.020 ấn phẩm báo, tạp chí với 18 đầu báo các loại cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.609.500 lượt người nghèo, dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hơn 227 tỷ đồng và gần 6.000 tấn gạo cho trên 49.000 lượt học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khi ốm đau, hoạn nạn, qua đời với số tiền trên 13 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, các di sản văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 16 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể "Then Tày, Nùng, Thái" được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh dần được đổi thay, khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, nâng cao. Nổi bật nhất là trong giai đoạn này, tỉnh đã có 2 xã, 36 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135; có 1 huyện (Ba Bể) thoát khỏi nhóm huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu. Cùng với đó là đẩy mạnh các chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh...., tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số./.

Bích Huệ