PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non có ý nghĩa hết sức quan trọng; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai của đất nước. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã dành nhiều sự quan tâm cho bậc học này, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đến công tác giảng dạy và học tập tại các trường, lớp học.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường Mầm non Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn được đầu tư khang trang

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNTENT), cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp mầm non trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, củng cố và mở rộng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã đầu tư cho giáo dục mầm non với tổng kinh phí lên đến 836,572 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thường xuyên 727,264 tỷ đồng; ngân sách đầu tư 21,222 tỷ đồng; từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án 41,888 tỷ đồng; nguồn huy động xã hội hóa giáo dục 46,196 tỷ đồng. Tính riêng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho giáo dục mầm non là 191,872 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí chi cho PCGDMNTNT là 944,527 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách chi thường xuyên 907,561 tỷ đồng; ngân sách đầu tư 1,663 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia 23,994 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa giáo dục 11,307 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2014 - 2019, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ thực hiện nhiệm vụ PCGDMMNTNT khoảng trên 35 tỷ đồng.

Vì vậy, đến nay, 100% các xã đều có ít nhất 1 trường mầm non; các xã địa bàn rộng, địa hình phức tạp được bố trí điểm trường hợp lý nhằm huy động tối đa trẻ ra lớp. Hiện toàn tỉnh có 114 trường mầm non (113 trường công lập, 1 trường ngoài công lập) với 1.022 nhóm/lớp gồm 960 nhóm/lớp công lập, 62 nhóm/lớp ngoài công lập. Các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ công tác dạy và học; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 42 trường mầm non/96 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, đạt tỷ lệ 43,75%.

Trường Mầm non Tân Tú, huyện Bạch Thông vừa đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia
mức độ I vào tháng 3/2021

Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 29,64%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 97,72%; 100% các trường mầm non học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm dần qua các năm, tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế. Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm và học hòa nhập, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.

Đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, toàn ngành hiện có 1.824 giáo viên. Các chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, giúp giáo viên ổn định đời sống, yên tâm công tác.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành mục tiêu PCGDMNNT vào năm 2015, trên cơ sở đó hằng năm tiếp tục duy trì vững chắc kết quả đã đạt được, từng bước chuẩn bị thực hiện PCGDMN cho trẻ 4 tuổi theo chỉ đạo của Trung ương.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học còn thiếu và chưa đồng bộ. Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa ở bậc học mầm non còn thấp, mới đạt 65%. Do được đầu tư xây dựng, mua sắm đã lâu nên số phòng học bán kiên cố xuống cấp, hết niên hạn sử dụng, đa số thiết bị đã cũ, hỏng hóc, hao mòn, không đáp ứng được yêu cầu cải tiến chất lượng giáo dục… Bên cạnh đó, số lượng giáo viên mầm non, nhân viên còn thiếu so với quy định đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trường mầm non.

Để đánh giá được chính xác thực trạng và có lộ trình đầu tư, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó củng cố và duy trì vững chắc kết quả giáo dục mầm non, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Theo Đề án, đối với bậc học mầm non, đến năm 2025, toàn tỉnh cần bổ sung, xây mới và sửa chữa 1.562 phòng/nhà/hạng mục với kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, phòng học kiên cố bậc mầm non đạt 80%; mua sắm bổ sung đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục kiến nghị với Bộ Nội vụ về chỉ tiêu biên chế để bố trí đủ giáo viên, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo đúng quy định, đồng thời tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi toàn tỉnh; đảm bảo tất cả trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1…/.

Bích Huệ