PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12 là dịp để tái khẳng định các cam kết về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030. Đây cũng là lời nhắc nhở đối với nhân loại, HIV vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đến nay, trên thế giới có khoảng 60 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong số đó có hơn 30 triệu người đã tử vong do AIDS.

Hơn 20 năm qua, Việt Nam phải đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, một đại dịch nguy hiểm, tàn phá sức khỏe, kinh tế và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, tính đến tháng 8/2023, Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 16 đến 39 tuổi.

Vào những năm đầu 2000, dịch HIV ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Nếu như năm 2000 chỉ phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm thì đến những năm 2006 - 2007, mỗi năm Việt Nam phát hiện hơn 30.000 người nhiễm mới HIV và có tới 15.000 người tử vong do AIDS. Phần lớn số người nhiễm HIV là ở lứa tuổi trẻ, tuổi lao động, trụ cột của gia đình.

Thực tế cho thấy, HIV/AIDS đã trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại lớn nhất trong lịch sử loài người. Đến nay, thế giới vẫn đang tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra loại vắc xin, thuốc đặc hiệu để tiêu diệt HIV.

Ngay từ khi dịch HIV/AIDS xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm hình thành bộ máy tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. Ngày 5/6/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy mại dâm” do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

Trước tình hình dịch HIV/AIDS ngày càng trầm trọng và lan rộng, ngày 20/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 432/QĐ-TTg thành lập Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam thuộc Bộ Y tế. Từ ngày 1/8/2005, Cục Phòng chống HIV/AIDS chính thức đi vào hoạt động, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Đây cũng là minh chứng về sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm quyết tâm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Tại tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 20/11/2023, số người nhiễm HIV/AIDS có tại 8/8 huyện, thành phố với 103/108 xã, phường, thị trấn. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 2 xã phát hiện bệnh nhân nhiễm mới đầu tiên là Tân Sơn, huyện Chợ Mới và Thượng Ân, huyện Ngân Sơn. Số trường hợp nhiễm HIV trên toàn tỉnh hiện là 2.070 người, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.755 trường hợp và 1.137 bệnh nhân đã tử vong do AIDS. Số bệnh nhân HIV còn sống và đang được quản lý là 888 người; trong đó, nội tỉnh 792 người, ngoại tỉnh và không rõ địa chỉ 96 người. Tỷ lệ nhiễm mới HIV/100.000 dân là 4,28/100.000 dân.

Điều đáng nói, tình trạng lây nhiễm HIV không chỉ ở nhóm có nguy cơ cao mà còn ảnh hưởng đến nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa... Trước thực trạng trên, ngành Y tế Bắc Kạn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Chuyền - Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thời gian qua, Trung tâm đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để phòng, chống căn bệnh này. Cả tỉnh hiện duy trì 10/10 phòng khám điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế. Số bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV trong tỉnh là 83,3%. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn y tế đã tư vấn, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 6 trường hợp phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai; tổ chức tư vấn, khám sàng lọc trong nhóm bệnh nhân điều trị ARV nhằm phát hiện các trường hợp đồng nhiễm lao/HIV; kết quả không phát hiện trường hợp nhiễm lao khi đang điều trị ARV.

Hoạt động giám sát, xét nghiệm HIV được duy trì tốt, từ đầu năm tới nay, cả tỉnh thực hiện xét nghiệm hơn 3.700 mẫu, trong đó có 26 mẫu có kết quả dương tính. Số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV đạt 62,3% và có 100% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm bệnh của bản thân.

Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV từ nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, ngành Y tế triển khai chương trình bơm kim tiêm sạch tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, duy trì hoạt động của 6 cơ sở điều trị và 1 điểm cấp phát thuốc methadone, giúp điều trị hiệu quả cho 675/1.041 bệnh nhân, đạt 65%.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông tổ chức phát sóng, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Các đơn vị thuộc ngành Y tế và các địa phương tăng cường đăng tải các tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều thông điệp ý nghĩa được truyền tải tới cộng đồng qua việc triển khai Tháng cao điểm lây truyền HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động phòng, chống ma túy...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song số mới nhiễm HIV trong 11 tháng đầu năm là 26 trường hợp, tăng 6 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 25 đến dưới 49 (chiếm 76,9%); độ tuổi dưới 15 là 3,8%; độ tuổi từ 15 đến dưới 25 tuổi là 11,5% và trên 49 tuổi là 7,7%. Về đường lây truyền, qua đường máu 23,1%; lây qua đường tình dục 42,3%; không rõ đường lây 34,6%. Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm 2023, số ca nhiễm mới được phát hiện vẫn trong tình trạng gia tăng, trẻ hóa độ tuổi mắc, đường lây truyền tăng hơn ở đường tình dục, đây là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế.

Nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh vào năm 2030, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi phòng bệnh cho Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho nhân viên y tế; duy trì thực hiện tốt hoạt động tư vấn xét nghiệm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai; tăng cường công tác giảm sát quản lý các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Cùng với nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh; đồng thời cần có sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất với những gia đình có người bị nhiễm HIV/AIDS./.

Ngọc Tú