PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/02/2013
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Rằm tháng Giêng - Ngày hội của người Mông Khuổi Ỏ
Hội xuân của các dân tộc, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hầu hết diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Hội xuân của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Pác Nặm cũng vậy và đặc sắc nhất có lẽ là ngày hội truyền thống của đồng bào Mông thôn Khuổi Ỏ (xã Nhạn Môn) tổ chức đúng ngày Rằm tháng Giêng. Cùng với Hội lồng tồng Bằng Vân (Ngân Sơn), đây là hội xuân cuối cùng được tổ chức trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đã từ rất lâu, hội xuân của đồng bào dân tộc Mông (thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm) được biết đến là ngày hội lớn, tổ chức muộn nhất trên địa bàn huyện với các trò chơi dân gian như: Ném pao, đánh cù, chọi gà, chọi bò, thổi khèn…

  Đánh cù tại hội xuân

Ngày nay, hội xuân của đồng bào dân tộc Mông Khuổi Ỏ không chỉ đơn thuần là ngày hội của riêng đồng bào dân tộc Mông nơi đây mà còn có sự tham gia đông đảo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Nhạn Môn và các địa phương lân cận, những du khách muốn tìm hiểu về phong tục, lễ hội của dân tộc Mông nơi đây.

Cuộc sống của đồng bào Mông Khuổi Ỏ đang ngày càng được cải thiện, phong tục tập quán đã có sự thay đổi nhất định nhưng ngày hội của đồng bào vẫn được tổ chức theo truyền thống, đậm chất dân tộc. Hội xuân vẫn diễn ra với những trò chơi dân gian mà hiện nay còn ít người biết đến và khó được tìm thấy trong các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh như trò chơi đánh cù (đánh quay), ném pao. Trong ngày hội, trò chơi đánh cù không chỉ là trò chơi của riêng các bé trai mà còn có sự tham gia của các nam thanh niên và cả những người già; sự hấp dẫn của trò chơi là sự khéo léo của người đánh quay khi giật dây thả con quay xuống đất quay tròn và phát ra âm thanh rất vui tai. Ngay từ khi đến nơi tổ chức hội xuân, những người chơi đánh cù đã tìm ngay một khoảng đất bằng phẳng làm địa điểm chơi. Không giống các trò chơi hiện đại, phải có sự chuẩn bị về địa điểm và dụng cụ, người chơi quay chỉ cần có một khoảng đất trống bằng phẳng làm địa điểm và dụng cụ chơi là con quay làm bằng gỗ với một sợi dây dài khoảng 2m (dây có độ bền có thể là dây dù hoặc dây len…). Do tập quán sinh sống của đồng bào Mông là trên những núi cao, địa điểm tổ chức hội xuân cũng là trên núi, nên “mặt bằng” chơi cù khá khiêm tốn, người xem phải leo lên sườn đồi để quan sát. Mặc dù vậy, trò chơi thu hút rất đông du khách.

  Thiếu nữ Mông trẩy hội với những quả pao đã được chuẩn bị trước

Trong khi trò chơi đánh cù thu hút sự tham gia của cả các bé trai, nam thanh niên thì trò chơi ném pao dành cho nam, nữ thanh niên chưa vợ, chưa chồng chơi theo tục giao duyên. Chuẩn bị cho trò chơi ném pao trong ngày hội, các cô gái Mông đã chuẩn bị quả pao (giống như quả còn của người Tày) trước đó một tháng. Tham gia ném pao, các cô gái, chàng trai Mông mặc trang phục truyền thống của dân tộc; chia làm hai đội một bên là các cô gái và bên kia là các chàng trai, ném pao cho nhau. Đây là dịp để nam, nữ thanh niên tìm hiểu, kết duyên với nhau. Xưa nay, đã có rất nhiều đôi trai gái thành vợ, thành chồng từ trò chơi ném pao này.

Tại ngày hội này, các chàng trai Mông có dịp trổ tài thổi khèn - một nét sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Tiếng khèn chứa đựng tâm tư, tình cảm của người thổi với những giai điệu dìu dặt, trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng.

Ngày hội còn diễn ra chọi gà, chọi bò thể hiện cho sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết, phát triển của đồng bào Mông. Trước khi diễn ra hội, những người đem gà, bò đến chọi đã đăng ký với ban tổ chức và bốc thăm thi đấu. Những trận đấu diễn ra sôi nổi đã góp phần tạo thêm không khí vui tươi cho ngày hội. Xuân Quý Tỵ 2013, ngoài chọi gà, chọi bò, hội xuân còn diễn ra các trận thi đấu bóng chuyền - môn thể thao hiện đại với các vận động viên đều là người trong thôn Khuổi Ỏ, thể hiện cho tinh thần đoàn kết dân tộc, rèn luyện thể dục thể thao.

Đến với ngày hội, du khách còn được thưởng thức mèn mén - món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được làm bằng ngô xay; đặc biệt, đến vui hội, du khách còn được thưởng thức các món thịt chó được chế biến theo công thức riêng của người Mông.

Mặc dù chưa có sự đầu tư, việc tổ chức ngày hội đều do nhân dân trong thôn chung tay góp sức nhưng chính những điểm độc đáo, những trò chơi dân gian còn được lưu truyền mà hội xuân của người Mông Khuổi Ỏ thu hút được đông đảo đồng bào các dân tộc đến vui hội; ngày càng nhiều du khách đến tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Mông, nhất là những du khách chưa biết món mèn mén đến thưởng thức, đến chứng kiến trò ném pao, chơi cù…/.

Hương Dịu