Độ tương phản
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:
Cây quýt là cây ăn quả đặc sản, có từ lâu đời của tỉnh Bắc Kạn, quả quýt Bắc Kạn có hình tròn dẹt với đường kính quả từ 7,16 cm đến 7,99 cm; chiều cao quả từ 4,17 cm đến 4,60 cm; vỏ quả nhẵn, độ dày vỏ trung bình từ 2,08 mm đến 3,04 mm; khi chín màu vàng tươi, múi quả to, đều, mọng nước; tép quả màu vàng rơm, không nát, khi ăn có vị chua dịu, không the đắng và rất thơm. Tháng 12/2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn” (số 00033, theo Quyết định số 2839/QĐ-SHCT ngày 14/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ), điều này đã làm cho sản phẩm quýt Bắc Kạn nâng cao được tính cạnh tranh, giá bán tăng từ 15 đến 20% so với các năm trước. Cây quýt được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận, huyện Bạch Thông; các xã Đồng Thắng, Phương Viên, huyện Chợ Đồn; các huyện Na Rì, Chợ Mới và Ba Bể. Tổng diện tích trồng quýt khoảng 1.996 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.847 ha, năng suất 106,08 tạ/ha, sản lượng 19.598 tấn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân trồng quýt trong tỉnh Bắc Kạn mới chỉ quan tâm đến mở rộng diện tích, thiếu sự quản lý chất lượng cây giống, chăm sóc, đốn tỉa không tuân thủ quy trình, việc bón phân, phun thuốc chưa áp dụng theo quy trình khuyến cáo, thu hoạch quá sớm khi quả chưa vào độ chín làm giảm chất lượng và giá trị tiềm năng của sản phẩm mang đặc tính quý của giống quýt Bắc Kạn, một phần quýt Bắc Kạn có vị chua, độ ngọt (độ brix) của quả thấp, nhiều hạt đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của cây quýt Bắc Kạn, làm cho giá thành của sản phẩm quýt Bắc Kạn không cao, chưa cạnh tranh được với các sản phẩm quýt khác trên thị trường.
Qua các năm, trên địa bàn tỉnh có một số đề tài/dự án nghiên cứu về cây quýt Bắc Kạn, như “Ghép cải tạo cam, quýt trồng từ hạt có tuổi từ 15 - 20 năm đã già cỗi” đã cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển của đoạn cành quýt Bắc Kạn ghép lên cành quýt gốc phát triển tốt, tỷ lệ sống cành ghép đạt 80% trở lên; ngoài ra, việc “đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc vườn cam quýt kém chất lượng” cũng cho thấy năng suất trung bình/cây (tăng 0,54 lần), năng suất trung bình/ha trồng tăng (0,51 lần) giữa vườn cải tạo và vườn sản suất đại trà của người dân. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả quýt Bắc Kạn qua việc áp dụng quy trình theo hướng VietGAP (vào xây dựng mô hình gồm 30 ha tại các xã: Rã Bản 10 ha, Dương Phong 10 ha, Quang Thuận 10 ha) đã làm năng suất trung bình tăng 40 - 50% so với mô hình không áp dụng theo hướng VietGAP. Ngoài ra, dự án còn xây dựng “Mô hình bảo quản quýt Bắc Kạn” trên cây quýt và “Mô hình thử nghiệm bảo quản quả sau thu hoạch”. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được chế phẩm phân bón lá sinh học Facorv/cây và công thức xử lý dung dịch gel Nano bạc trong bảo quản quả quýt Bắc Kạn, tạo ra mẫu mã quả quýt đẹp hơn, kéo dài thêm được thời gian bảo quản quả quýt từ 30 - 45 ngày.
Bên cạnh đó, năm 2020 - 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện “Ô mẫu thử nghiệm bón phân cho cây quýt để tăng độ ngọt của quả” trên vườn quýt 6 - 8 năm tuổi. Ô mẫu đã sử dụng chế phẩm Earthqi Hydro và bón phân qua lá (Kaly sữa). Mặc dù các loại chế phẩm, phân bón thử nghiệm đã làm tăng 1 - 2 độ brix so với các cây đối chứng nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Nghiên cứu rau quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng các giống quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và lựa chọn được giống có triển vọng để phát triển”, thời gian thực hiện 48 tháng, từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2024. Đề tài đang thực hiện, bước đầu thu thập được 6 giống quýt/7 huyện của tỉnh Bắc Kạn, để lựa chọn ra 2 giống quýt có triển vọng là 1 giống chín sớm và 1 giống chín muộn (so sánh với quýt Bắc Kạn), xây dựng được 2 ha tại các xã Thanh Mai, Nông Hạ, huyện Chợ Mới và xã Dương Phong, huyện Bạch Thông. Mô hình đang trong giai đoạn chăm sóc, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của 2 giống quýt triển vọng để đánh giá, nhân rộng mô hình. Qua theo dõi cây quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ngành Khoa học và Công nghệ mới tiếp cận nghiên cứu về các nội dung như: Cải tạo vườn quả quýt kém chất lượng hiện có, xây dựng mô hình trồng quýt theo hướng VietGap, bảo quản quả quýt sau thu hoạch hay đánh giá về một số giống quýt hiện có trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để lựa chọn giống quýt có triển vọng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu sâu về lai tạo quả quýt Bắc Kạn để quả ngọt thơm, ít hạt.
Sở Khoa học và Công nghệ xin được tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới tiếp tục quan tâm nghiên cứu về cây quýt Bắc Kạn theo hướng để quả quýt ngọt hơn và ít hạt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn mang mùi vị và đặc trưng riêng của vùng, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm đến nhiều thị trường./.
Sở Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị về vướng mắc trong quá trình sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng (06/01/2025)
Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng (02/01/2025)
UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (27/12/2024)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị về bổ sung đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (26/12/2024)
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về các quy định thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh (18/12/2024)