PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/01/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời các kiến nghị về hỗ trợ phát triển sản xuất, lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết kiến nghị sau Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa X, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 160/SNN-KHTC ngày 22/1/2025 trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

1. Cử tri Đồng Phúc Quận, công chức địa chính - nông nghiệp - môi trường và xây dựng xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn phản ánh: “Theo điểm a khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2024), quy định về hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thì mức hỗ trợ tối đa từ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện một dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn khác không phải là địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc dự án 2 - Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 60% tổng chi phí, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thực hiện đối ứng tối thiểu 40% chi phí, mức đối ứng trên là cao, người dân không đủ khả năng tham gia dự án. Do đó, đề nghị tỉnh kiến nghị trung ương xem xét tăng phần đối ứng kinh phí của Nhà nước, giảm phần đối ứng của hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện cho các hộ được tham gia dự án, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.

Trả lời:

Sau kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, tại Văn bản số 17/TTg-QHĐP ngày 10/1/2025 về việc xử lý kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất của tỉnh Bắc Kạn với Chính phủ quy định mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau (bằng mức hỗ trợ tại địa bàn đặc biệt khó khăn) báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2025. Do vậy, đối với ý kiến của cử tri, cơ quan chuyên môn sẽ sớm triển khai văn bản khi có nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư phúc đáp tỉnh.

2. Cử tri Lý Văn Tân, thôn Bản Lanh, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn đề nghị: “Tỉnh xây dựng hồ đập chứa nước ở khe Khuổi Chẳng, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn vì mùa khô không đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân”.

Trả lời:

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ hết cho các chương trình, dự án. Do đó đề nghị UBND huyện Chợ Đồn kiểm tra thực tế xem xét kiến nghị của cử tri, sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện để đầu tư xây dựng công trình; chủ động đề xuất, báo cáo UBND tỉnh nếu nguồn kinh phí vượt quá khả năng của UBND huyện. Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện, khi được bố trí nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện rà soát danh mục các công trình để đưa vào ưu tiên đầu tư.

3. Cử tri Đặng Văn Hợi, thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Khoảng năm 2000, người dân trên địa bàn thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn thực hiện trồng rừng trên diện tích rừng sản xuất; tuy nhiên, sau khi có dự án hồ sinh thái, khu vực rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ nên đến nay rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhưng người dân không được khai thác. Cử tri đề nghị xem xét quy hoạch lại diện tích rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để tạo điều kiện cho người dân khai thác phần diện tích rừng đã trồng trước đây".

Trả lời:

Diện tích rừng thuộc thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn là khu vực đầu nguồn có độ dốc cao, đảm bảo tiêu chí là rừng phòng hộ đã được quy hoạch rừng phòng hộ từ năm 2007 theo Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21/5/2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, khu vực này đang thuộc quy hoạch rừng phòng hộ theo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Thực hiện nhiệm vụ rà soát, cập nhật hiện trạng, phân loại 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất một phần diện tích rừng trồng, đất canh tác nông nghiệp dọc 2 bên bờ hồ, sông lên khoảng 200 - 400 m để tạo điều kiện cho người dân, chủ rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đối với các khu vực còn lại giữ nguyên quy hoạch rừng phòng hộ để đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn, việc khai thác rừng trồng phòng hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018, được sửa đổi tại điểm d khoản 9 Điều 1 Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, cụ thể:

“a) Đối tượng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Lâm nghiệp;

b) Điều kiện: Chủ rừng phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Phương thức khai thác: Khai thác tỉa thưa cây trồng chính thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp lâm sinh. Khai thác chọn cây trồng chính với cường độ mỗi lần không quá 20% trữ lượng trong lô, sau khai thác bảo đảm độ tàn che tối thiểu là 0,6 và phân bố đều trong lô; đối với rừng ngập mặn, ngập phèn mật độ cây trồng chính để lại sau khai thác chọn ít nhất 1.500 cây/ha và phân bố đều trong lô. Khai thác trắng theo băng với chiều rộng băng không quá 30 m; khai thác trắng theo đám với diện tích đám khai thác không quá 3 ha, tổng diện tích khai thác hằng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ của khu rừng”./.

DT