PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tem điện tử rượu: Giải pháp hữu hiệu để quản lý và tăng thu ngân sách nhà nước
Trên địa bàn tỉnh, số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ tương đối lớn, song số cơ sở thực hiện nghĩa vụ thuế lại rất ít. Để tăng cường công tác quản lý và tăng thu cho ngân sách nhà nước, Bắc Kạn đang tích cực thực hiện giải pháp quản lý tem điện tử rượu.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Sản phẩm rượu mơ vàng của Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn
 đã thực hiện dán tem điện tử rượu

Hiện Bắc Kạn có 4 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp; hơn 143 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh có sản lượng sản xuất hằng năm từ 1.124.000 lít trở lên; số hộ sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh sản xuất trên 28.000 lít. Rượu được sản xuất thủ công trên địa bàn tỉnh hầu như chưa được quản lý về chất lượng, tiêu thụ và thu thuế.

Trên địa bàn tỉnh, vào bất cứ nhà hàng, quán ăn hay cửa hàng tạp hóa, thậm chí là quán nước vỉa hè... từ thành phố đến nông thôn, người tiêu dùng đều có thể mua rượu dễ dàng. Nhiều nhà hàng, quán ăn có hàng chục loại rượu bày bán, đa số là không dán tem theo quy định. Có loại có nhãn mác, có loại không; có loại đóng chai nhưng có loại cũng chỉ rút từ can hay múc từ chum ra bán cho khách. Đây là sản phẩm của các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhưng không đăng ký và thực hiện dán tem theo quy định của Nhà nước. Giá các loại rượu này khá rẻ. Một lít rượu trắng thường có giá từ 25 - 60 ngàn đồng. Một số loại đóng chai từ 500 - 750ml có nhãn mác của cơ sở sản xuất hay phân phối nhưng không dán tem khoảng 80 - 100 ngàn đồng/chai.

Mặc dù Chính phủ có quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh rượu; có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu; có sự phân cấp trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác cấp giấy phép hoạt động,… nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Theo kết quả điều tra của Sở Công Thương cho thấy, đa phần các sở sở sản xuất rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu chủ yếu sử dụng gạo để sản xuất rượu và chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đảm bảo các điều kiện về công bố hợp quy sản phẩm... điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Bên cạnh đó, người dân không mặn mà việc kê khai, đăng ký kinh doanh, thậm chí có tình trạng hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu để kinh doanh nhưng khi đoàn đến kiểm tra lại khẳng định chỉ sản xuất rượu để sử dụng chứ không bán…

Năm 2023, chỉ với hơn 17.000 lít rượu quản lý được, tỉnh đã thu ngân sách khoảng 282 triệu đồng, trong khi hơn 1.152 nghìn lít rượu qua điều tra không dán tem, không khai báo thì không thu được đồng tiền thuế nào. Điều đó cho thấy rằng, Nhà nước đang tổn thất rất lớn về ngân sách từ mặt hàng này.

Không dán tem tức là không được kiểm soát chất lượng, trốn thuế, gây mất an toàn cho người tiêu dùng, tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không khuyến khích sản xuất hàng hóa an toàn, quản lý theo quy chuẩn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý tem điện tử đối với sản phẩm rượu, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách, Sở Công Thương đã thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên cơ sở rà soát đến từng xã, phường, thị trấn về thực trạng, tình hình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, yêu cầu các địa phương rà soát cụ thể thời gian bắt đầu sản xuất rượu, công suất hoặc quy mô năng lực sản xuất thực tế, sản lượng sản xuất, tiêu thụ - doanh thu, lợi nhuận - bao bì, mẫu mã, là sản phẩm OCOP hay thủ công truyền thống, được bán ở trong hay ngoài tỉnh và các kênh liên kết...

Cục Thuế tỉnh cũng đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, các cấp, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã... phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử rượu. Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp người nộp thuế thấy được những lợi ích của việc đăng ký, sử dụng tem điện tử và người tiêu dùng thấy được quyền lợi khi sử dụng sản phẩm được dán tem; rà soát hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép, đăng ký sử dụng tem điện tử và tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem điện tử đối với rượu...

Xác định đây là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần được quản lý do liên quan đến sức khỏe con người, trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng rượu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là các hành vi làm giả, sử dụng nguyên liệu cấm trong sản xuất rượu, bán rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng tại các cơ sở bán lẻ rượu. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc lạm dụng rượu, đồ uống có cồn đối với sức khỏe…

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Duy Thể cho biết, việc dán tem điện tử đối với sản phẩm rượu không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc rượu và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong quản lý thuế, chống gian lận, trốn thuế trên cơ sở đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước…/.

Thu Cúc