Độ tương phản
Vào dịp Tết, mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, xôi nếp. Những hương vị không thể thiếu trong ngày Tết ấy sẽ càng đậm đà hơn khi được làm bằng gạo nếp nương của người dân vùng cao Bắc Kạn.
Do đặc thù sống ở vùng núi cao, lúa nương được bà con ở Bắc Kạn canh tác từ lâu đời. Giờ đây thực hiện việc giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, bà con từ bỏ lối canh tác lạc hậu, chuyển sang trồng cây gây rừng kết hợp phương thức xen canh gối vụ. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ nông lâm cùng với sự đổi mới trong nhận thức, bà con đã biết trồng keo, mỡ, lát, thông trên diện tích rừng được giao. Tận dụng những năm đầu mới trồng, bà con xen canh cây lúa với rừng trồng với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, sau mỗi lần thu hoạch, rơm rạ phân hủy sẽ tạo nguồn dinh dưỡng hỗ trợ cho cây trồng phát triển tốt hơn. Lúa nếp nương được trồng ở hầu khắp các địa phương của tỉnh như huyện Ngân Sơn, Na Rỳ, Chợ Mới, nhưng nhiều nhất là ở khu vực huyện Chợ Đồn. Tại đây, tất cả các xã đều trồng lúa nếp nương.
Hàng năm, vào độ cuối thu, đầu đông là dịp bà con các dân tộc Bắc Kạn bước vào mùa thu hoạch nếp nương. Những bông lúa vàng ruộm, trĩu hạt ngậm đủ sương đêm rồi lại được hong khô bởi cái nắng hanh hao đến vàng khô cây lúa, đây là lúc bà con hái từng bông về treo bên hiên nhà, gác bếp. Phơi vài ba tháng, bà con mới mang gạo nếp nương làm những món ăn ngày Tết.
Gạo nếp bình thường vốn hạt tròn, mập, còn nếp nương được trồng tại Bắc Kạn có ba loại: Nếp vàng hạt dài, nếp vàng đuôi đen hạt tròn, nếp vàng hạt nhỏ. Vào dịp Tết, sản phẩm nếp nương dùng để nấu cơm nếp hoặc đồ xôi, gói bánh chưng và nấu rượu. Do được trồng trên những triền đồi quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ, vì vậy nếp nương thơm, ngon, dẻo hơn lúa nước. Vị nếp nương mang đặc trưng riêng của núi rừng nên ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Càng nhớ hơn khi những ngày Tết đã cận kề, gạo nếp không thể thiếu trong mỗi gia đình vùng cao Bắc Kạn. Nếp nương cũng là món quà đặc sản theo chân những người dân miền xuôi về quê ăn Tết, góp phần mang hương vị Tết của Bắc Kạn đến với nhiều miền quê khác.
Với người dân vùng cao Bắc Kạn, những sản phẩm làm từ lúa nếp quê hương đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Hương vị nếp nương còn mang đến niềm vui sum họp, không khí gia đình ấm áp trong những ngày đầu năm mới./.
Độc đáo bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm (05/04/2023)
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)